Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Cỏ xót xa đưa: 15 dòng ám ảnh Trịnh Công Sơn

Cỏ xót xa đưa: 15 dòng ám ảnh Trịnh Công Sơn





Cỏ xót xa đưa -  Sáng tác : Trịnh Công Sơn - Biểu diễn: Khánh Ly

“Điều gì sẽ chờ đợi con người sau cái chết?” Có thể lắm, chết là hết, là khi đôi mắt ta nhắm lại, là khi con tim ta ngừng đập, là lúc mọi cảm nhận mà ta vẫn coi là quá đỗi bình thường bỗng chợt biến mất khi mà tất cả đắm chìm trong bóng tối và ta cứ thế bất lực với số phận của mình. Nhưng cũng chẳng ai phủ nhận nổi những lời nhà Phật luận về những điều xảy ra với mỗi người đằng sau cái chết. Những vòng luân hồi, quy luật nhân quả, sự đầu thai làm con người hướng đến cái thiện, cái tâm tu hành để vượt ra khỏi những vòng sinh tử luẩn quẩn mà đến với cõi niết bàn. Và còn nhiều, rất nhiều những quan niệm về cái chết nữa. Cái chết và những gì tiếp theo nó từ lâu đã không những là ám ảnh trong bản thân mỗi con người, mà còn là chủ đề có mối quan tâm đặc biệt với mọi tôn giáo, mọi thứ triết học trên đời.


Và nếu chúng ta chịu khó để ý một chút, theo dõi xuyên suốt cuộc đời và kho tác phẩm đồ sộ mà Trịnh Công Sơn đã để lại cho nhân loại, ta cũng có thể chợt nhận ra rằng mình đang được hấp thụ “một thứ triết học nhẹ nhàng” như những gì chính ông đã từng nói: “Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được”. Thứ triết học của ông được vun xới, chăm chút như một mầm cây nhỏ bé, và cứ thế, cứ thế, nó được tích tụ, vươn cao cùng với những trải nghiệm cuộc đời của người sinh thành ra nó. Trịnh Công Sơn không muốn áp đặt bất kì điều gì. Ông chỉ gửi gắm những tư tưởng, suy nghĩ của mình qua những câu từ, những điệu nhạc giàu sức ám ảnh đến lạ kì. Thế rồi, những kẻ say mê những tác phẩm của ông, cố gắng lao vào những ma trận hình ảnh mà ông lập ra để chôn dấu con người mình, chợt nhận ra họ đang được chính người nhạc sĩ tận tình chỉ dạy thứ triết học đó: Sống thế nào cho ra sống? Yêu thế nào để là yêu?

Những quan niệm của ông như những mảnh ghép nho nhỏ. Mỗi bài hát ông để một vài mảnh, để cho mỗi người sẽ đi nhặt những mảnh mà mình đang cần tìm. Đến khi nhận thức được những gì người nhạc sĩ muốn gửi gắm, người ta bỗng chợt giật mình, làm sao mà thứ triết học ấy vừa cao xa, lại vừa gần gũi với mỗi người như thế? Có lẽ cũng nhờ một phần bởi tư tưởng của ông mang theo nhiều phần âm hưởng của Phật giáo, một tôn giáo giàu tính nhân văn và đã gắn bó lâu đời với dân tộc ta. Tuy nhiên, triết lý Trịnh Công Sơn lại chẳng quá sâu xa, “dạy đời” nếu đem ra so sánh với những triết lý khác, đơn giản vì Trịnh Công Sơn vẫn là một con người, một con người rất đỗi “con người”. Ông cũng yêu, cũng sống. Âm nhạc của ông cũng yêu, cũng sống. Và triết lý của ông cũng yêu, cũng sống. Người ta luôn có thể tìm thấy chính mình và cuộc tình của đời mình trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Cũng chẳng có gì là bất ngờ, nếu trong triết lý của Trịnh Công Sơn cũng bao gồm cả quan niệm về cái chết và sự sống. Tuy nhiên, không chỉ dừng ở một mức độ quan tâm hay đề cập, cái chết với người nghệ sĩ là nỗi ám ảnh thường trực, là day dứt khắc khoải khôn nguôi. Cái chết xuất hiện trong những tác phẩm của Trịnh Công Sơn nhiều đến nỗi nó trở thành một điều quá đỗi bình thường, một lẽ đời rất thường mà ai cũng phải chấp nhận. Ta nhận ra một gửi gắm rất nhẹ nhàng của người nghệ sĩ ấy: Vạn vật vô thường – mọi vật đều phải thay đổi, sống chết âu cũng là lẽ tự nhiên của kiếp người. Cái chết là nguồn cảm hứng không ngừng tuôn chảy cho những bài hát của ông. Người nghệ sĩ có thể đau lòng trước cái chết của người mình quen như trong “Hạ Trắng”. Cũng đôi khi, xúc cảm từ sự ra đi của những người chẳng quen biết cũng làm lay động con tim người nghệ sĩ. Tỉ như bài hát “Ru em từng ngón xuân nồng” được nhạc sĩ viết khi đứng trước ngôi mộ của một cô gái không may chết trẻ, trong một lần ông đi ngang qua nơi ấy. Xót thương trước sự ra đi quá sớm, ông đã cất lên những lời: “Ru mãi ngàn năm, từng ngón xuân nồng”. Hay trong “Hát cho một người nằm xuống”, ông đã diễn tả nỗi đau thương, xót xa và cô quạnh trước cái chết của một lính Ngụy. Người ta cũng chẳng thể quên tuyển tập “Ca Khúc Da Vàng” mà ông dành trọn để khắc họa lên nỗi đau đớn của mình trước cái chết của hàng vạn đồng bào. Nhưng, không chỉ có sự tiếc thương và đau khổ với cái chết, ông còn muốn tìm tòi, khám phá hơn thế nữa. Cái chết trở thành một ẩn số để ông say mê nghiên cứu và chiêm nghiệm. Bên cạnh những “Cát bụi”, “Phúc âm buồn” hay “Chỉ có ta trong một đời”, quan niệm về cái chết của ông có thể tìm đâu đó trong “Cỏ xót xa đưa”, một trong những ca khúc ít được mọi người biết đến hơn so với những tác phẩm khác của nhạc sĩ.

“Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế”

Ngay từ 3 dòng đầu tiên, Trịnh Công Sơn đã nhuộm một màu trầm uất lên tác phẩm của mình. Để rồi từ đó, những gam màu ấy cứ vật vờ, quẩn quanh trong từng câu từng chữ, hệt như những day dứt và dằn vặt của người nghệ sĩ đối với cái chết. Nhưng trong 3 dòng đầu tiên này nhạc sĩ muốn gửi gắm điều gì? Nhiều người cho rằng nhạc sĩ muốn viết về tâm trạng của ông trong một ngày buồn chán, khi ông nhìn đâu cũng thấy sự héo úa, hoang tàn. Cũng có người cho rằng Trịnh Công Sơn đang thể hiện những khó khăn, trắc trở trên đường đời. Tuy vậy, nếu chỉ muốn viết về những điều trên thì sắc thái từ ngữ của ông đâu cần phải sầu thảm, bi ai đến mức thế. Sẽ hợp lý hơn nếu cho rằng khổ đầu của “Cỏ xót xa đưa” là nơi Trịnh Công Sơn giới thiệu chủ thể trọng tâm của tác phẩm: Cái chết. Trong khi “nhánh hoang vu” gợi cho người ta sự cô quạnh, lạnh lẽo, thì “cành lá mù” lại gợi lên sự bất lực, gợi lên giới hạn của khả năng con người. Và cuối cùng những “lời hoang phế” đưa người ta đi sâu thêm vào những cảm giác ấy khi lặp lại cả hai cảm giác trên cùng một lúc. Vậy, lúc nào con người vừa cảm thấy cô độc đến tột cùng, lại vừa cảm thấy hoàn toàn bất lực trước số phận. Ấy chắc hẳn là khi con người ta chết. Nếu quả thực Trịnh Công Sơn đang muốn viết về cái chết thì quan điểm của ông về cái chết nói chung lại thể hiện rõ ràng nhất trong chỉ một động từ của mỗi câu. Đó là “trổ”, “mọc” và “đập”. Tại sao ông lại dành những từ để miêu tả những quá trình phát triển của sự sống để nhắc đến sự đối lập của nó? Bởi vì đối với nhạc sĩ, cái chết cũng chỉ là một phần trong sự sống mãi mãi của mọi vật. Cây có thể “trổ nhánh hoang vu”, “mọc cành lá mù” nhưng bản thân cái cây ấy vẫn đang sống. Trái tim con người có thể ngừng đập nhưng bản thân con người vẫn bước tiếp những vòng luân hồi không ngừng nghỉ.

“Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân này cỏ xót xa đưa”

Những lời hát sau của bài hát lại là lúc Trịnh Công Sơn đưa con người ta nhìn xa hơn vào những vòng luân hồi nối tiếp. Mỗi dòng trong khổ nhạc đều được bắt đầu với từ “dưới” như từng viên đá đặt vào đôi vai mỗi con người, càng ngày càng trĩu nặng, để đến cuối cùng cho ta cái cảm giác mệt mỏi, chán nản với kiếp sống con người. Hình ảnh mặt trời vốn là tượng trưng cho sự sống và cũng chính mặt trời là nguồn sáng soi tỏ mọi sự thật cho mỗi con người như trong câu đầu “dưới mặt trời ngồi hát hôn mê”. Ấy vậy mà, những con người chúng ta dù sống dưới ánh mặt trời rạng tỏ, vẫn chỉ là những kẻ sống điên rồ trên cõi đời. Ta những tưởng ta đã hiểu hết, đã chứng minh được hết. Ta lao vào những cuộc đua tranh, giành giật. Ta đắm chìm trong những vui thú, những thỏa mãn. Để rồi cho đến cuối cùng, ta vẫn mãi chỉ  trong cõi “hôn mê”, chẳng thoát ra khỏi giấc mộng đời.


Vậy thì, Trịnh Công Sơn muốn mình và muốn mọi con người nhìn thấy điều gì? Điều đó thể hiện ngay ở hai câu hát tiếp theo. Nhạc sĩ viết “dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ” là để chỉ cái quy luật bất biến của cuộc đời mà ai cũng phải chấp nhận: cái gì đã sinh ra cũng sẽ phải mất đi, phải chuyển thành một thứ khác. Con người chẳng thế níu giữ được kiếp sống của mình mãi mãi. Điều đó còn áp dụng với tất cả những gì mà ta đang mặc nhiên cho rằng mình đang sở hữu. Những cái ta có bây giờ, rồi cũng sẽ có ngày chúng rời khỏi ta, bởi vì chẳng có gì là mãi mãi khi chính chúng ta cũng sẽ ra đi. Đồ vật rồi một ngày sẽ hỏng hóc. Bạn bè cũng có lúc rời xa. Tình cảm cũng đến khi phải phai nhạt. Và con người cuối cùng sẽ ra đi. Mọi khổ đau trong kiếp người cũng đều từ đó mà ra cả. Ta càng yêu quí, nâng niu một thứ bao nhiêu, thì chính ta sẽ chịu ngần ấy đớn đau khi thứ đó rời xa ta mãi. Chính vì vậy, Trịnh Công Sơn đẵ từng viết tình yêu vừa là “mật ngọt trên môi” cũng vừa là “mật đắng trong đời” như trong “Lặng lẽ nơi này”. Trong khi đó, “dưới chân này cỏ xót xa đưa” lại là lời luyến tiếc với kiếp sống con người của nhạc sĩ. Ôi những loài nhỏ bé, yếu ớt như những nhành cỏ dại, lại trở thành những kẻ đưa tiễn coi người chúng ta về cõi chết. Ừ thì chúng nhỏ bé, nhưng chúng vẫn cứ được sống tiếp trên cõi đời này chứ không phải con người chúng ta. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Trịnh Công Sơn lại chọn “Cỏ xót xa đưa” làm tiêu đề cho chính tác phẩm này. Vì chỉ 4 từ nhỏ bé đấy thôi cũng đã lột tả được trọn những suy nghĩ mà nhạc sĩ gửi gắm qua tác phẩm này. Dẫu ông biết cuộc sống vẫn tiếp diễn với những vòng luân hồi, nhưng nuối tiếc thì ông vẫn cứ nuối tiếc. Đâu phải dễ để được sống một kiếp người.

 “Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm dong cuối trời
Còn lại, tiếng cười khóc giữa đời”

Trịnh Công Sơn đã từng sử dụng từ “người” như trong “Phúc Âm buồn”, tưởng như để nói về một kẻ xa lạ nào đó nhưng thực chất lại là những lời tự sự về chính bản thân mình.Ở đây có lẽ cũng vậy, ông vẫn mang những băn khoăn, trầm tư từ những câu hát trước vào với cuộc đời mình. Ông sợ rằng những gì mình nói, những gì mình viết, những gì mình thể hiện sẽ ra đi mãi mãi khi ông mất đi mà chẳng còn gì vương lại với cõi đời. Thứ triết học mà đời ông xây dựng rồi cũng sẽ chìm trôi với ông. Ta có thể nhận thấy trăn trở của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải là nỗi lo sợ về cái chết đơn thuần, ông chỉ lo mình giã biệt cõi đời mà không để lại được gì cho nhân loại. Đây có thể nói là nỗi trăn trở của mọi người nghệ sĩ lớn, của mọi nhân cách lớn. Nhưng thật may mắn, người ta đâu hẳn đã quên ông. Vẫn có người say mê những tác phẩm và triết học của ông. Họ vẫn đã, đang và sẽ cố gắng kiếm tìm những gì ông gửi gắm lại cho cuộc đời. “Từng câu nói” của ông chưa chắc sẽ về nơi “cuối trời”.

“Dưới ngọn đèn một bóng chim qua
Giữa đường đi một người đứng gọi
Có biết gì về ngày chưa tới?”

Trong nỗi trăn trở ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng cảm thấy sức ám ảnh của cái chết luôn luôn kề cận mỗi con người. Nhạc sĩ đặt bút viết tác phẩm này ở độ tuổi gần 30 – “giữa đường đi”. 30 tuổi là lúc người nghệ sĩ còn đó những say mê và khát khao của tuổi trẻ, cũng là lúc bắt đầu có những suy ngẫm, nhìn nhận sâu sắc về con người, về cuộc đời. Ngay từ lúc ấy ông đã quan tâm đến cái chết và sự sống, đã quan tâm đến mình sẽ để lại gì cho cuộc đời. Ông đã lo lắng về một ngày nào đó bất chợt mình sẽ phải lìa đời, như bóng chim lướt qua một ngọn đèn, như tiếng gọi dừng chân khi ông mới bước được một nửa quãng đường. Bởi vì đó là cuộc đời. Chẳng ai có thể hoàn toàn nắm rõ được tất cả mọi thứ trên đời: “Có biết gì về ngày chưa tới?”.

“Những ngày ngồi rủ tóc âm u
Nghe tiền thân về chào tiếng lạ
Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu.”

Tất cả những gì muốn nói, Trịnh Công Sơn có lẽ đã nói hết. Đến khổ nhạc cuối cùng của bài hát được ông dành trọn để thể hiện nỗi luyến tiếc của mình. Ông tưởng tượng về một ngày mình sẽ qua đời, sẽ gặp những kiếp trước của mình để bước sang một kiếp sống khác. Nhạc sĩ cũng ví tuổi 30 của mình là những đóa “mai hồng” đem hương sắc tuyệt vời cho nhân gian, nhưng cũng sớm nở chóng tàn. Đóa hoa ấy đang khao khát sự trường tồn của cỏ dại, để được mãi mãi cống hiến cho cuộc đời.



“Cỏ xót xa đưa” như một lời tự sự của Trịnh Công Sơn  được mở đầu bằng cái chết và kết thúc bằng nuối tiếc.  Người ta bảo nhạc Trịnh Công Sơn bài nào cũng buồn, dù cho bài hát với giai điệu vui tươi cũng vẫn tiềm ẩn nỗi buồn trong từng câu chữ. Ấy vậy mà bản thân tôi lại thấy một tia sáng vui tươi nho nhỏ trong ca khúc đầy u uất này. Điều ám ảnh nhất với người nhạc sĩ là khi mình ra đi mà không thể để lại điều gì cho cuộc đời này, nhưng vẫn có biết bao con người vẫn say mê tìm hiểu âm nhạc của ông đấy thôi. Trịnh Công Sơn có thể vĩnh biệt kiếp người, nhưng thứ triết học mà ông gửi gắm vẫn còn sống mãi trong từng câu hát, được hàng vạn con người thưởng thức. Đã, đang và sẽ có rất nhiều người sẽ còn vương vấn với những tác phẩm của ông. Đó dù sao cũng là một niềm an ủi cho sự ra đi của ông khỏi cõi đời này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét