Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Pink Floyd - Animals: Xã hội tư bản qua góc nhìn Roger Waters



Pink Floyd - Animals: Xã hội tư bản qua góc nhìn Roger Waters


Animals – khởi đầu của mâu thuẫn

Có lẽ sẽ chẳng có nhiều người biết đến cái tên Animals - album thứ mười của ban nhạc progressive rock huyền thoại Pink Floyd được phát hành năm 1977. Không được phủ sóng rộng rãi trên sóng phát thanh và ít được công chúng đón nhận, Animals ra đời trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo của ban nhạc, sau những thành công vang dội, kể cả về nghệ thuật lẫn thương mại của hai album rất nổi tiếng The Dark Side of the MoonWish you were here. Animals được người hâm mộ Pink Floyd coi là khởi điểm của mâu thuẫn trong ban nhạc, bắt nguồn từ cái tôi quá lớn của Roger Waters – tay guitar bass, hát chính và cũng là người viết lời cho toàn bộ album này.

Animals - 1977

Có thể thấy, sự chán ghét của Waters với nền “công nghiệp” âm nhạc của nước Anh những năm 70 đã manh mún ngay từ khi khi ông viết bài hát Welcome to the Machine trong album Wish you were here – album dành cho người bạn đồng hành của ban nhạc trong những năm thành công ban đầu – Syd Barrett.  Điều này càng đẩy lên cao khi Waters cảm thấy những thành viên khác trong Pink Floyd đang dần trở thành những công cụ viết nhạc cho những ông chủ sở hữu phòng thu. Nếu như trong các album trước đây, mỗi thành viên trong Pink Floyd đều sáng tác riêng từng bài hát rồi tổng hợp lại thành một album thì ở Animals, Waters lại sáng tác tất cả các bài hát theo chủ đề của riêng mình, còn những thành viên còn lại chỉ đóng góp ở mức độ âm nhạc. Với tính cách có phần ngông cuồng và ngạo mạn, Waters đã áp đặt suy nghĩ của mình lên những thành viên khác trong ban nhạc – những nghệ sỹ cũng không kém phần tài năng và sáng tạo. Mâu thuẫn ấy cứ âm ỷ nhen nhóm rồi bùng nổ đến sự tan rã của Pink Floyd sau khi cùng nhau viết nốt album The Wall, cũng đều do Waters sáng tác phần lớn.

Mỗi cá nhân của Pink Floyd đều là một thiên tài, và thật khó để giữ những cái tôi quá lớn cùng nhau quá lâu. Waters ra đi kéo theo những năm dài tranh cãi và kiện tụng về bản quyền, giữa những người bạn từ thủa còn sinh viên, cùng nhau đi lên đỉnh cao của âm nhạc. Pink Floyd không Waters như mất đi linh hồn, âm nhạc hay mà không có ý nghĩa đằng sau cũng chỉ là cái đẹp thoáng qua. Waters ra solo thì chẳng khác gì một đứa trẻ bị câm, muốn nói lên nhiều điều nhưng không thể nào thể hiện ra được. Phải tới khi Syd Barrett qua đời, cả bốn thành viên Pink Floyd mới có thể dẹp hết mâu thuẫn để cùng nhau ngồi lại và hát lên những bài hát bất hủ lần cuối cùng tại một đêm huyền ảo ở Hype Park, sau 24 năm không nhìn mặt nhau.

Có lẽ cũng vì những yếu tố đằng sau hậu trường như vậy mà Animals không được đánh giá cao như những album trước của Pink Floyd. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, Roger Waters vốn vẫn là một thiên tài đang ở độ chín của sự nghiệp âm nhạc khi chắp bút viết lên những nhạc phẩm trong Animals. Animals dù là một album mang nặng những suy nghĩ cá nhân của Waters, nhưng nó vẫn được trau chuốt qua những bàn tay nghệ thuật đỉnh cao của các thành viên Pink Floyd. Chính David Gilmour – tay guitar chính của ban nhạc, người vốn rất ghét album Animals và không bao giờ trình diễn live bất kỳ ca khúc nào từ album này trong sự nghiệp solo của mình, cũng phải thừa nhận rằng trong Animals có những điệu guitar hay nhất mà mình từng viết ra.


Animal Farm – Cảm hứng của Waters

Animal Farm là một tiểu thuyết trào phúng, được viết bởi George Orwell năm 1945. Tiểu thuyết ấy tưởng chừng như một câu chuyện cổ tích với những nhân vật chính là những con gia súc được nuôi tại khắp các làng quê của nước Anh, nhưng ẩn sâu qua đó là sự chế nhạo của Orwell với xã hội loài người và bản chất xấu xa, ích kỷ của con người. Câu chuyện bắt đầu tại một nông trại, với những con gia súc liên kết đánh đuổi con người đang bóc lột chúng. Thế nhưng, sau khi cuộc lật đổ đã thành công, những con lợn dần dần đã tha hóa và biến chất, làm trái lại những điều chúng hứa và từng bước nắm lấy quyền lực bằng những thủ đoạn ghê tởm và dối trá. Để đến cuối cùng của tiểu thuyết là hình ảnh lũ gia súc cùng nhau ngó qua cửa sổ, chăm chú nhìn cuộc sống sung sướng của lũ lợn đang ngồi hút thuốc và đánh bài. Chúng đã biến chất thành như con người – những kẻ trước đây đã từng đày đọa tất cả lũ gia súc trong trang trại. Vậy là cuộc sống ở nông trại gia súc vẫn như vậy, vẫn có những kẻ nắm quyền và lũ gia súc ngu ngốc còn lại vẫn là những kẻ bị trị. Bên cạnh ý nghĩa trào phúng những kẻ biến chất vì lòng tham và quyền lực, Orwell còn lên tiếng chỉ trích những người bình thường trong xã hội đã để quá bị mê muội vào sự dối lừa của kẻ ác mà quên đi sức mạnh của sự đoàn kết, để mặc cho lũ lợn yếu đuối chăn dắt, chỉ khư khư lo lấy cuộc sống của bản thân mình mà mù quáng chấp nhận để bị bóc lột.   

Roger Waters rõ ràng là một fan hâm mộ tác phẩm văn học nổi tiếng này và đã quyết định viết một Animal Farm của riêng mình qua phong cách progressive rock. Chính trị vẫn luôn là một chủ đề mà Waters đặc biệt yêu thích và luôn được ông đưa vào trong lời hát của ban nhạc từ khi mới hình thành. Thế nhưng, Animals là album đầu tiên mà quan điểm chính trị mang hơi hướng cá nhân của ông là chủ đề xuyên suốt. Vốn đã chán ghét chế độ tư bản bảo thủ của nước Anh những năm trước 1980 - nổi tiếng với những phân xưởng công nghiệp đồ sộ và chế độ lao động bóc lột hà khắc mà đại đa số người dân Anh lúc bấy giờ phải hứng chịu, Waters từ Animals tới tận bây giờ, vẫn luôn là một tiếng nói cổ xúy cho các phong trào đấu tranh chống lại nghèo đói, phân biệt giai cấp, và bất bình đẳng trong xã hội. Tạm gác lại quan điểm chính trị của ông là đúng hay sai, tư tưởng của Waters là một sợi dây gắn kết giữa những yếu tố siêu thực đầy nghệ thuật của âm nhạc Pink Floyd với cuộc sống và những cuộc đấu tranh rất đời thực của con người. Vì thế, âm nhạc của Pink Floyd vừa cao siêu, nhưng cũng lại vừa thật gần gũi.  

Như tôi đã từng viết trong bài viết về Echoes – Pink Floyd trước đây, nếu muốn theo dõi và hiểu Pink Floyd, chúng ta phải ghép nhặt từng mảnh ghép trong từng bài hát của mỗi album. Animals cũng như vậy. Vì thế, có lẽ không có gì tốt hơn nếu chúng ta đi qua từng bài hát của album theo mạch dẫn truyện của Roger Waters.

Pigs on the Wing, Part 1


Khác với một Pink Floyd bình thường, luôn mê hoặc người nghe với khả năng xử lý âm nhạc và ca từ, Pigs on the Wing – bài hát mở đầu cho album Animals, lại là một bản ballad có phần ngắn gọn và hơi quá đơn giản. Chắc chắn rằng Gilmour với tài năng của mình sẽ không mất quá nhiều thời gian để luyện tập cho bản nhạc này, vì tất cả những việc mà ông phải làm là đệm những gam nhạc cơ bản trên cây guitar gỗ của mình.

Không hòa phối, không hiệu ứng và cũng không dài dòng. Tại sao Waters lại mở đầu album một cách đơn giản như vậy?

Có lẽ bởi vì ca khúc này với ông chỉ như là một lời tự sự thật chân thành với người nghe. Một cách dẫn dắt câu chuyện mang đầy tính chất cá nhân và gần gũi.

If you didn't care what happened to me,
And I didn't care for you,
We would zig zag our way through the boredom and pain
Nếu mỗi con người chúng ta không quan tâm đến lẫn nhau, cuộc đời thật buồn chán và đau khổ biết bao. Chúng ta đau khổ mà chẳng biết đổ lỗi cho ai: Wondering which of the buggars to blame. Nội dung cả bài hát chỉ có vậy.

Nếu bạn đã từng nghe qua Wish you were here của Pink Floyd, thì cấu trúc dẫn truyện này lại rất quen thuộc. Một bài hát được chia ra làm đôi, một phần ở đầu và phần còn lại ở cuối album. Thay vì giới thiệu từng vấn đề của câu truyện, Waters đưa nội dung chính của album xen vào giữa như một backstory trong một cuộc trò chuyện của ông với người nghe nhạc, khiến người ta tò mò muốn tìm hiểu thêm về những gì mà ông định nói. Từ một lời tự sự qua Pigs on the Wing, Waters đưa ta đến với các vấn đề xã hội lớn hơn một cách thật nhẹ nhàng và tinh tế.

Vậy chỉ còn có một bí ẩn duy nhất: Pigs on the Wing là gì? Chắc rằng câu trả lời sẽ nằm ở Pigs on the Wing, part II, khi chúng ta đã nghe hết những gì Waters muốn nói.

Dogs

Nếu như Animal Farm của George Orwell có nhân vật chó, là lũ tay sai khát máu của kẻ thống trị, sẵn sàng làm mọi việc được sai bảo dù bẩn thỉu đến đâu mà không mảy may suy nghĩ, thì Waters cũng có hình tượng “chó” của riêng mình. Dogs của Waters là đại diện cho tầng lớp công chức và doanh nhân trong xã hội Anh bấy giờ. Được mô tả là những kẻ cơ hội, như You gotta be able to pick out the easy meat with your eyes closed hay You gotta strike when the moment is right without thinking, chúng rình rập và tìm mọi cách để leo lên chiếc thang của sự nghiệp. Tất nhiên, càng lên cao thì tham vọng của chúng càng lớn. Chúng sẽ tiếp tục đi lên bằng thủ đoạn và sự lừa lọc:

You have to be trusted by the people that you lie to,
So that when they turn their backs on you,
You'll get the chance to put the knife in.

Dogs phải tự huyễn hoặc mình rằng tất cả xung quanh chúng đều là kẻ thù, lấy đó làm lý do để biện hộ cho những hành vi ghê tởm của mình:

Deaf, dumb, and blind, you just keep on pretending
That everyone's expendable and no-one has a real friend.
And you believe at heart, everyone's a killer.

Dưới quan điểm của Waters, chúng là những kẻ chỉ biết phục tùng đến mức mù quáng, mà vẫn thấy sung sướng cho bản thân dù đang đeo đủ loại gông cùm:

Who was trained not to spit in the fan.
Who was told what to do by the man.
Who was broken by trained personnel.
Who was fitted with collar and chain.
Who was given a pat on the back.

Vậy đến cuối cùng, chúng sẽ được gì? Kết cục của lũ chó đó là cái chết trong sợ hãi và dằn vặt lương tâm. Waters tin có nhân quả trên cuộc đời này - you'll reap the harvest you have sown. Sống làm gì khi chúng luôn phải để mắt về phía sau trong lo lắng. Bởi vì cuộc đời thiếu gì những con chó tương tự mình, luôn sẵn sàng nhe nanh tóm lấy vị trí chúng đang có - You gotta keep one eye looking over your shoulder. Thế rồi nỗi sợ hãi ấy và sự dằn vặt sẽ bòn rút dần sức sống của chúng dù có trốn tránh đi đâu chăng nữa. Không có người thân hay bạn bè bên cạnh, một cái chết thật cô đơn và đau đớn:

Just another sad old man,
All alone and dying of cancer.
….
And it's too late to lose the weight you used to need to throw around.
So have a good drown, as you go down, all alone,
Dragged down by the stone.

Kết thúc bài hát là một loạt những câu hỏi mà chẳng cần câu trả lời. “Who was”, “who was”, “who was”… Waters đang hỏi ai vậy? Hay là ông đang hỏi tất cả chúng ta. Bạn và tôi có phải là những con chó trong xã hội này hay không?

Chúng ta cũng cần để ý thêm một số điểm đặc biệt ngoài nội dung chính của bài hát. Thứ nhất, là đoạn lời hát sau:

I gotta admit that I'm a little bit confused.
Sometimes it seems to me as if I'm just being used.
Gotta stay awake, gotta try and shake off this creeping malaise.
If I don't stand my own ground, how can I find my way out of this maze?

Ở đây, đại từ của câu đã thay đổi thành “I”. Thay vì nói với người khác, Waters lại đang tâm sự câu chuyện của bản thân mình. Ông cảm thấy những thành viên khác trong ban nhạc và chính bản thân mình cũng là những con chó trong bài hát, những công cụ để kiếm tiền trong nền công nghiệp âm nhạc. Waters muốn thoát ra khỏi kiếp sống này và tự nhắn nhủ với mình nếu không vững tâm mà lao theo tiếng gọi của danh vọng và đồng tiền, ông sẽ cũng bị cuốn theo dòng xoáy đó rồi để cả đời phải hối tiếc. Điểm đặc biệt thứ hai, cũng có liên quan tới tâm sự của Waters, là cụm từ “Dragged down by the stone”. The stone được lặp lại tới ba lần trong bài hát này. Khi một ai đó nhắc lại một thứ nhiều lần, chắc hẳn thứ đó phải đáng quan trọng với người đó. Tảng đá ấy có lẽ là phép ẩn dụ cho ham muốn, danh vọng, hay tiền tài. Chúng trở thành những thứ lôi kéo con người vào vòng xoáy của xã hội, trói buộc con người vươn lên tới những tầm cao mới hơn. Hình ảnh tảng đá gợi nhớ ta đến những tên tù nhân hay nô lệ khổ sai, đang cắm đầu vào lao động dưới tiếng quát nạt của chủ nhân. Tảng đá là gánh nặng của đời người mà mỗi người đều phải vác theo, nó sẽ làm người ta ích kỷ chỉ lo cho bản thân mà không nhìn quanh xem những người khác cũng đang phải mang những tảng đá nặng trĩu của riêng họ.

Về nội dung là vậy nhưng cũng không thể không nhắc đến tiếng đàn guitar của Gilmour trong Dogs nói chung và album này nói riêng. Phải nói rằng đoạn solo trong bài hát này là một trong những sáng tác hay nhất của Gilmour. Khác với Shine on You Crazy Diamond hay Comfortably Numb, tiếng guitar của Gilmour trong bài hát này mang tính chất nặng nề hơn, như đưa người nghe vào một công xưởng công nghiệp vậy. Tiếng đàn nhọn mà sắc cạnh đến ớn lạnh, với nhiều sức mạnh đến chói tai và ít vibration hơn những gì mà Gilmour thường chơi, đã góp phần tác động thẳng vào cảm xúc của người nghe nhạc. Hòa quyện với tiếng đàn guitar, tiếng keyboard của Wright cũng góp phần tạo nên âm hưởng hỗn loạn và chống đối. Tiếng đàn Gilmour như một sinh vật sống vậy, nó gào thét và vùng vẫy như tư tưởng bấy giờ của Gilmour muốn thoát ra khỏi sự áp đặt đến hà khắc của Waters. Với một ca khúc về mâu thuẫn trong xã hội, sự mâu thuẫn trong chính các thành viên trong ban nhạc cũng tạo nên điểm nhấn rất đặc biệt trong Dogs.

Pigs (Three Different Ones)


Ai đang sai bảo lũ chó? Đó là những kẻ cầm quyền, những con lợn của xã hội - Pigs. Pigs được Waters sử dụng để ẩn dụ cho những chính trị gia, những kẻ rao rảng những triết lý để người khác phải phục tùng, nhưng lại sống một cuộc sống cao sang cách xa với xã hội. Vang lên trong bài hát là tiếng guitar bass của Waters như tiếng nói trào phúng và trêu ngươi của ông, y hệt như những giai điệu trong Money vậy. Thay vì mô tả cụ thể từng tính cách của chúng như trong Dogs, Waters lại lựa ra ba hình mẫu, ba chính trị gia mà ông không ưa. Đó là lý do tại sao tác phẩm này còn có tên là Three different Ones.

Chính trị gia đầu tiên mà Waters viết tới là James Callaghan – thủ tướng Anh thuộc phe cánh tả (left wing). Không chỉ chế giễu vẻ ngoài của ông ta bằng cách so sánh với hình dáng của một con lợn, Waters còn chỉ trích Callaghan là một kẻ dối trá và mị dân. Dù có đặt tay lên ngực thề thót – when your hand is on your heart, thì đó cũng chỉ là những điều lừa dối để phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình. Có lẽ sự tức giận của Waters cho Callaghan có liên quan tới việc ông này một mặt thực hiện các chính sách nâng lương cho thợ mỏ, rồi cũng thẳng tay đóng cửa nhiều hầm mỏ như bao nhiêu chính trị gia khác - What do you hope to find down in the pig mine?

Người thứ hai được nhắc tới là bà đầm thép – Margaret Thatcher, thủ tướng đại diện cho Đảng Bảo thủ (right wing) - You like the feel of steel … You radiate cold shafts of broken glass. Waters luôn thể hiện thái độ không ưa với bà này do những chính sách tư nhân hóa các dịch vụ công ích và đưa nước Anh vào trận chiến Falklands. Với Waters, bà chỉ là một mụ già điên rồ - You fucked up old hag.

Người cuối cùng được Waters nhắc tới cả tên trong bài hát là Mary Whitehouse – một nhà hoạt động xã hội mang tư tưởng Công giáo bảo thủ. Bà này không ngừng đấu tranh để cấm phát trên truyền hình những thứ đi ngược lại tư tưởng Công giáo của bà như ma túy, tình dục hay nhạc rock. Waters cho bằng bà đã sai lầm khi áp đặt người khác theo khuôn mẫu của mình một cách ích kỷ - You're trying to keep our feelings off the street. Hãy keep it on the inside, con người có quyền được xem những gì họ muốn và không ai ép bà ta phải xem những thứ mà mình không thích.

Cả bài hát vang lên giai điệu đầy chế giễu - Ha, ha, charade you are – Các người đều là những kẻ dối trá. Bài hát như tiếng cười của Waters vào những con người dù ở đảng phái nào hay đại diện cho lý tưởng gì, cũng chỉ là những kẻ ích kỷ vận vào một vài vấn đề nào đó để thúc đẩy sự nghiệp của mình mà thôi.

Sheep

Mở đầu cho Sheep là giai điệu keyboard nhẹ nhàng và mềm mại của Richard Wright. Nếu như trong Dogs người nghe bị mê hoặc bởi những điệu solo đầy phản kháng của Gilmour, hay trong Pigs là tiếng bass quen thuộc của Waters, thì ở bài hát thứ ba, tiếng keyboard là ngôn ngữ chủ đạo của bài hát. Tiếng đàn của Wright chơi rất dễ nghe, có phần như ru ngủ, tạo ra một hiệu ứng thoải mái và mê muội. Người nghe bỗng trở thành một chú cừu đang mải mê gặm cỏ, thoải mái và an toàn, chẳng lo lắng về những điều xung quanh - Hopelessly passing your time in the grassland away. Xung quanh bạn là những con chó chăn cừu đang gầm gừ đe dọa - There may be dogs about. Bạn không thích chúng, nhưng thôi không sao đâu, cứ kệ chúng đi và hãy lo việc của mình.

Waters rõ ràng muốn sử dụng hình ảnh Sheep để mô tả những người dân bình thường, đại diện cho tầng lớp công nhân nước Anh thời bấy giờ. Những con người đang thẩn thơ với cuộc sống của mình, những con chiên ngoan đạo của một quốc gia Công giáo truyền thống. Có lẽ Waters đã không thể quên được hình tượng những con cừu trong tác phẩm Animal Farm. Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, miệng chúng luôn luôn lẩm bẩm “hai chân là xấu, bốn chân là tốt”, những điều chúng được lũ lợn dạy dỗ và tiêm nhiễm vào đầu.

Thế rồi, chỉ đến khi bị lùa dần vào lò mổ, lũ cừu mới chợt nhận ra thực tế phũ phàng: chúng được nuôi dưỡng để bị làm thịt - Down well trodden corridors into the valley of steel. Một cái giá phải trả vì sự mù quáng và ngu ngốc. Waters sử dụng hình ảnh trong Kinh Thánh với một sự mỉa mai. Với Waters, tôn giáo như một công cụ tẩy não người dân, dùng những lời lẽ cao siêu giáo điều để cuối cùng cũng lừa lũ cừu vào lò hầm - He converteth me to lamb cutlets.

Bài hát bỗng chốc chuyển từ giai điệu chậm rãi và nhẹ nhàng, trở nên hối hả và mãnh liệt khi tiếng bass, trống và guitar cùng vang lên một cách hỗn độn. Lũ cừu đã chịu đựng đủ rồi. Waters đang hy vọng vào một ngày những con cừu đứng lên trả thù lũ chó và lũ lợn chăng? Một bầu không khí hỗn loạn và sục sôi - Wave upon wave of demented avengers. March cheerfully out of obscurity into the dream. Liệu chúng sẽ cùng nhau đi tới một tương lai tốt đẹp hơn không?

Pigs on the Wing, part II



Những âm thanh mạnh mẽ và phản kháng mờ dần và tan biến trong chiều suy tưởng, chúng ta lại trở về với điệu ballad mở đầu, quay trở lại với những lời tự sự của Roger Waters. Giờ có lẽ chúng ta đã hiểu hơn ông muốn nói gì rồi. Pigs on the Wing có lẽ là những chính trị gia, dù họ có ở phe phái nào (wing) đi chăng nữa. Đó là những con lợn bay lượn ở trên cao, sống cách xa đời sống của xã hội, là thứ khiến Waters phải lo lắng và sợ hãi. Những lời cuối cùng mà Waters muốn nhắn nhủ người nghe: Nếu chúng ta quan tâm đến nhau, chúng ta sẽ không đơn độc và quên đi những sự bất công trong xã hội. Waters đã tìm ra một nơi chốn an toàn. Năm 1976, Waters lấy bà Carolyne Christie, một quý tộc trong Hoàng gia Anh và Pigs on the Wing là một bản tình ca dành cho bà.

Nếu nhìn lại Cover art của Animals, chúng ta có thể thấy những biểu tượng đầy ý nghĩa mà Pink Floyd đã đưa vào. Một nhà máy điện nằm im lìm trong bầu không khí công nghiệp u ám ở ngoại ô thủ đô London là biểu trưng cho một cái lò mổ, nơi những con cừu xếp hàng chui vào để bị làm thịt. Sẽ có những con chó, những tay quản đốc chỉ tay năm ngón và răn đe lũ cừu, tất cả để làm chủ của chúng được vui lòng. Một con lợn màu hồng đang lượn lờ xa tít trên bầu trời, chúng không sống cuộc sống ô nhiễm ở đây, mà thẩn thơ dạo chơi và vui thú với cuộc sống xa hoa của chúng.

Nhìn về góc độ nghệ thuật, Animals là một album có chất lượng trong phong cách phối nhạc, cùng với một ý tưởng xuyên suốt, tạo nên những hình ảnh mang tính chất biểu tượng cao. Thế nhưng, nếu nhìn về mặt tư tưởng, thì theo tôi, quan điểm của Waters về xã hội còn khá là “ngây thơ”. Waters nhìn xã hội loài người với độc hai màu đen và trắng, nơi cái xấu và cái tốt đứng trên hai bờ chiến tuyến. Nhưng đâu phải vậy, con người quá phức tạp để chỉ có hai màu. Con người và xã hội cũng không ngừng biến đổi, tùy theo từng giai đoạn, hoàn cảnh và điều kiện sinh tồn. Có lẽ Waters đã vô tình “quên” đi bài học mà George Orwell đã dạy trong chính Animal Farm: Trong đàn cừu kia, dù chúng có đấu tranh giành được cái gì đi chẳng nữa, chắc sẽ không thiếu những con chó, con lợn sẵn sàng đội lốt cừu. Quyền lực sẽ làm con người ta tha hóa. Sự ích kỷ và tham vọng vẫn luôn là bản chất in sâu trong mỗi con người. Xã hội loài người từ bao đời nay vẫn thế, vẫn sẽ là những vòng xoáy không bao giờ dừng lại của chiến tranh và hòa bình. Đó chẳng phải là cách chúng ta sinh tồn và thống trị từ thuở hồng hoang đền giờ hay sao?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét