Cây Les Paul màu nhiệm của Peter Green
Peter Green và cây Les Paul của ông |
Tôi
thường cuốc bộ đến trường khi còn đi học ở London, chỉ vì để tiết kiệm tiền đi
lại. Hầu như ngày nào cũng là một tuyến đường qua khu Tottenham Court Road. Ở
cuối dãy phố mua sắm nhộn nhịp nhất châu Âu ấy, có một con phố nhỏ, nằm lọt thỏm
sau những trung tâm thương mại cao vút, phố Denmark Street.
Cứ
mỗi lần qua đó, tôi lại cho phép mình bước chậm lại, để có thể ngắm những cây
đàn đang treo trên kệ của các cửa hàng nhạc cụ nổi tiếng ở đây. Denmark Street
là nơi bày bán những cây guitar mới nhất từ các hãng tên tuổi như Gibson,
Fender, Ibanez,..., được lau chùi và trưng bày cẩn thận đến mức làm cho người
ta có cảm giác hào nhoáng như đi lạc vào một khu phố thời trang. Để sở hữu cho
mình một chiếc, người mua cũng phải bỏ ra một khoản tương đối vào khoảng năm
trăm tới một hai nghìn bảng. Thế nhưng, cùng con phố ấy, có một cửa hàng duy
nhất treo lên những chiếc guitar model đã sờn rách và ố màu vì thời gian, đôi
khi có thể thấy qua cửa kính những vết sửa chữa lấp liếm. Những chiếc guitar đó
có giá tối thiểu là 10,000 bảng Anh!
Tại
sao lại có nghịch lý như vậy? Đơn giản vì đó là những cây đàn “sống”! Và bài
viết này là câu chuyện của cây đàn đã được sống một cuộc sống huy hoàng: cây Les
Paul 1959 phiên bản "lỗi" của Peter Green (được bán năm 2016 với giá
2 triệu USD).
Peter Green là ai?
Nếu
bạn chưa biết tới Peter Green? Tốt thôi, có thể bạn đã nghe tới Fleetwood Mac.
Nếu bạn không biết Fleetwood Mac? Vậy thì bạn đã không biết tới một band nhạc
đình đám trong Pop Culture của nước Mỹ suốt những năm 70, với những bản hit ăn
khách như “The chain” hay “Go your own way” làm chủ các bảng xếp hạng thời bấy
giờ. Những giai điệu đó vẫn còn được nhiều người biết tới cho tới tận ngày hôm
nay. Không thể phủ nhận thành công về mặt thương mại và tầm ảnh hưởng tới công
chúng Mỹ của Fleetwood Mac. Thế nhưng trước cái thời chơi những bản nhạc Pop đơn
giản để đổi lấy sự nổi tiếng và vừa lòng người nghe ấy, đã có một Fleetwood Mac
rất khác, một band nhạc Blues ngẫu hứng với những tác phẩm đậm chất nghệ thuật
và đầu tư khám phá, một band nhạc được lead bởi kỹ thuật từ những cây guitar
màu nhiệm thay vì tiếng nhạc điện tử, một Fleetwood Mac của Peter Green.
Thành
lập năm 1967 tại London, có thể nói rằng trong thời kỳ đầu Fleetwood Mac là
band nhạc của riêng Peter Green. Vừa viết nhạc, vừa sáng tác và hát chính,
Green cùng cây đàn của mình đưa Fleetwood Mac nổi tiếng khắp Anh quốc và Châu
Âu. Họ chơi Blues đầy sáng tạo và
cảm xúc, với kỹ thuật điêu luyện trên nền tảng tempo chậm qua tiếng đàn Peter
Green. Tiếng đàn ấy mỏng mà sắc, như chạm tới từng dây thần kinh cảm xúc của
người nghe. Green cũng là bậc thầy về kỹ thuật điều khiển âm thanh của cây đàn,
ông liên tục điều chỉnh setup và thử nghiệm ngẫu hứng, tạo ra những âm thanh
mới cho người nghe say mê. Không có gì ngợi khen tiếng đàn Green hơn là thừa
nhận của ông vua nhạc Blues - guitarist huyền thoại B.B. King: Peter Green là
tay đàn duy nhất khiến ông phải vã mồ hôi hột.
Chắc
không có gì tốt hơn là nghe tận tai một nhạc phẩm của Green’s Fleetwood Mac.
Hãy tìm kiếm và nghe thử những tác phẩm đã định hình dòng nhạc Blues và Rock
như “Oh well”, “Need your love so bad” hay “Albatross”. Ở đây, xin phép được
giới thiệu tác phẩm với cái tên rất quen thuộc “Black magic woman”, nơi những
âm thanh đặc biệt của cây đàn Les Paul được vang lên trong suốt ca khúc. Chắc
chắn, nhiều người sẽ biết đến bản cover nổi tiếng hơn rất nhiều của Santana,
nhưng hãy bỏ chút thời gian mà thưởng thức bài hát này từ một bậc thầy guitar
thực thụ, với những cảm xúc thực sự của người sáng tác ra nó, trong cơn thèm
khát đến cuồng dại của Green, không phải cho một người đàn bà, mà là cho ma túy.
Black magic woman - Fleetwood Mac 1970
Tiếc
thay, khi tiền bạc và danh vọng đến quá nhanh, áp lực từ sự kỳ vọng của công
chúng và nhà sản xuất là quá lớn, Peter Green đã không thể trụ vững và lạc lõng
vào những cơn mê cùng “Black magic woman” của mình. Ma túy là cái giúp ông quên
đi những áp lực đó và cũng là nguồn sáng tạo cho những ca khúc của Green. Thế
nhưng, ma túy cũng đã cướp đi cả lý trí và linh hồn ông. Ông đã hóa điên trong
những ảo giác và tự mình chấm dứt sự nghiệp âm nhạc còn dang dở. Fleetwood Mac
vẫn phải bước tiếp từ những nền móng ban đầu của ông mà không có người kỹ sư
chính. Chắc hẳn, nền âm nhạc thế giới sẽ rất khác nếu Green còn có thể cống
hiến những tác phẩm mới và cùng band nhạc của mình đi chinh phục thị trường Bắc
Mỹ. Phải đến hơn 20 năm sau, Peter Green mới bình phục và chơi nhạc trở lại,
nhưng thế giới bây giờ đâu cần có nhạc Blues, đâu cần một một guitar hero đúng
nghĩa làm gì nữa, âm nhạc bây giờ phải thật to, thật dễ nghe để bán được thật
nhiều album. Chính vì lẽ đó, không nhiều người, kể cả trong giới guitar, biết
đến Peter Green và Fleetwood Mac thời kỳ sáng tạo.
Vậy,
nếu bạn chưa biết tới Peter Green? Hãy biết đến Peter Green. Hãy xem ông như
một tượng đài nhạc Blues nói riêng và âm nhạc nói chung, như ông xứng đáng được
ghi nhận. Hãy nghe một vài tác phẩm của ông, để cảm nhận những âm thanh độc
nhất vô nhị từ cây đàn Les Paul màu nhiệm.
Điều gì “màu nhiệm” ở
cây đàn của Peter Green?
Sự
“màu nhiệm” của cây đàn ấy lại là điều hết sức tình cờ: do lỗi của nhà sản
xuất. Ở cái thời mà cây đàn được làm hết sức thủ công từ những xưởng sản xuất
địa phương với những nguyên liệu sẵn có, chứ không phải sản xuất hàng loạt tại
một nhà máy nào đó ở Trung Quốc như bây giờ, mỗi cây đàn cũng có thể coi là một
tác phẩm nghệ thuật thực sự, gửi gắm những phong cách và kinh nghiệm của người
làm ra nó, vậy thì dẫu có chút sai sót cũng là điều dễ hiểu.
Cây
đàn điện khác một cây đàn acoustic đơn giản ở chỗ là nó khuếch đại âm thanh
bằng điện từ. Với mỗi cây đàn điện, thông thường sẽ có hai tới ba pickup, là
các nam châm điện cùng chiều ghi âm rung động của dây đàn vào cổng ra âm thanh.
Sở dĩ các pickup của một cây đàn phải vặn cùng chiều, vì phải như vậy các sóng
âm thanh mới cùng chạy song song, tạo ra âm thanh khuếch đại và mạnh mẽ. Tuy
nhiên, với cây đàn Les Paul của Green, người thợ lắp đàn đã đặt ngược chiều từ
trường của một pickup với cái kia. Bởi thế, khi dây đàn rung lên và sóng âm
được ghi lại, một pickup tạo ra sóng âm thanh giao động theo một chiều, cùng
lúc với pickup thứ hai (đàn Les Paul chỉ có hai pickup) lại nhận giao động đó
theo chiều ngược lại. Hai sóng âm ngược chiều nhau sẽ tự triệt tiêu lẫn nhau và
máy phát cuối cùng chỉ phát ra những gì còn lại. Đó là lý do tại sao, âm thanh từ
cây đàn của Green lại nhỏ hơn nhưng sắc hơn, vì những nốt ông đánh lên không
được khuếch đại mà là chắt lọc lại còn những gì tinh túy nhất, để lại âm thanh
đầy cảm xúc cho người nghe. Âm thanh này được người chơi nhạc gọi là “Out of
phase”, hay đơn giản hơn là “Peter Green’s sound”. Chính Peter Green đã nói
nhiều lần rằng ông không cố tính đặt ngược pickup để tạo hiệu ứng âm thanh mà
hoàn toàn là lỗi của người thợ làm đàn một cách tình cờ.
Ấy
vậy, nhưng không có nghĩa là Peter Green may mắn được trời ban cho một cây đàn
nhiệm màu. Theo tôi, nếu không vào tay Green, cây Les Paul này sẽ chỉ là một
cây đàn lỗi, đã được người ta vứt đi ở một xó xỉnh nào rồi. Không bàn đến khả
năng viết nhạc của ông, Green là một kẻ luôn tìm tòi và khám phá cây đàn. Ông
hiểu tại sao âm thanh này được tạo ra và ông sử dụng nó một cách thật chắt
chiu. Không phải lúc nào ông cũng dùng nó trong cả tác phẩm của mình, tiếng
“Out-of-phase” được vang lên xen kẽ với những âm thanh đúng phase thông thường,
tại những điểm nhấn ngẫu hứng của bài hát, đem đến cái phiêu trong tiếng guitar
của ông. Đó là lý do tại sao khi chơi đàn, Green luôn tay điều chỉnh âm lượng
thu từ các pickup để thay đổi giữa tiếng trong phase và ngoài phase.
Tưởng
như sự màu nhiệm của cây đàn cũng sẽ mất đi cùng với sự nghiệp của Green, nhưng
không, cây đàn đã được Green trao lại cho người bạn và cũng là người học trò
của mình, một bậc thầy guitar khác, để 10 năm sau, cây đàn ấy đã cất lên những
giai điệu bất hủ của “Parisian walkway” làm hàng triệu người say mê và bắt
những guitarist phải thuộc nằm lòng từng nốt nhạc.
Gary Moore - người thừa
kế xứng đáng.
Gary Moore và cây đàn Les Paul của Peter Green |
Những
dòng viết trong đoạn này sẽ có vẻ hơi thiên vị, bởi vì với tôi, Gary Moore là
guitarist hay nhất mọi thời đại. Gary Moore có tất cả. Ông sáng tác hầu hết
những nhạc phẩm của mình, tạo ra những giai điệu đầy cảm xúc. Ông có thể hát
rất hay và rất khỏe, nhưng Moore chẳng cần phải hát làm gì, bởi tiếng đàn của
Moore đã hát thay cho ông. Vậy nhưng cũng như người thầy của mình, dù rất nổi
tiếng ở Châu Âu, tên tuổi của Gary Moore cũng gần như vô danh tại Mỹ, nơi mà
người ta tôn một tay guitar bình thường (so với Moore và Green) như Eric
Clapton làm Chúa!
Gary
Moore gặp Peter Green tại London năm 1969 khi ban nhạc lúc đó của ông - Skid
Row - được chơi mở màn cho Fleetwood Mac. Ngạc nhiên trước khả năng chơi nhạc
của Moore, Peter Green đã kết thân và đích thân truyền dạy những kĩ thuật của
mình cho Moore. Đối với Gary Moore, Green lúc này đã là thần tượng của ông. Như
một cậu bé được gặp Superman, Moore đã học hỏi rất nhiều từ Green và xem ông
như là người thầy của mình. Vài năm sau, khi cảm thấy Gary Moore đã đủ khả năng
tự mình bước lên đỉnh vinh quang, Peter Green đã trao lại cho Gary Moore cây
đàn màu nhiệm của mình với cái giá hình thức là 100 bảng Anh và lời nhắn nhủ: “It
would have a good home”.
Và
Gary Moore đã chơi rất được. Vác lên vai cây đàn của Green, Gary Moore rời bỏ
band nhạc và bắt đầu sự nghiệp solo lẫy lừng của mình. Trong suốt quãng thời
gian đầu đó, Gary Moore chỉ sử dụng cây Les Paul ấy cho mọi bản thu và các buổi
trình diễn live. Chỉ vài năm sau đó, Gary Moore nhanh chóng nổi tiếng và nhận
được sự kính nể từ nhiều tay guitar gạo cội khác, cũng như người thầy của mình.
Khác với chất nghệ sỹ và lãng tử của Green, Gary Moore là một chiến binh
Celtic, ông chơi đàn với tốc độ rất nhanh và sử dụng nhiều kỹ thuật đánh đàn phức
tạp, đồng thời tiếng đàn của Moore cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều với âm lượng và
độ rè (distortion) ở mức cao. Nhưng không phải vì thế mà tiếng đàn của ông mất
đi tính ngẫu hứng và xúc cảm của âm hưởng Blues do chính Peter Green truyền
dậy. Có thể nói, tiếng đàn Gary Moore là sự hòa quyện hoàn hảo giữa chất Rock
đầy máu lửa sẵn có của Moore và những cảm hứng sáng tạo ngẫu hứng mà Peter
Green đã để lại. Và cũng không có gì diễn tả tốt hơn tiếng đàn của ông, bằng
việc lắng nghe một bản nhạc mà Gary Moore biểu diễn với cây đàn Les Paul trong
tay: “Still got the blues”.
Still got the blues - Garry Moore 1970
Với
Gary Moore, cây đàn là một bảo vật. Sau giai đoạn đầu tiên chơi nhạc, Moore
hiếm khi sử dụng cây Les Paul khi trình diễn live mà thay bằng những cây đàn
khác. Với Moore, một vật giá trị như vậy nên được cất giữ cẩn thận và sử dụng
trong phòng nhạc tại nhà. Chính vì thế, cho đến giờ, rất hiếm khi người ta có
thể được nghe lại tiếng đàn Les Paul của Green qua tay Gary Moore. Thế nhưng,
cũng đến một ngày cây đàn phải rời xa ông, những khó khăn về tài chính đã buộc
Moore phải bán nó đi với giá 1 triệu USD năm 2006 cho một nhà sưu tầm, một vài
năm trước khi ông qua đời vì cơn trụy tim.
Kirk Hammett kẻ sưu tầm
nổi tiếng.
Chiến
đàn Les Paul đã được rao bán ngay khi nó rời khỏi tay Gary Moore, nhưng phải
tới 10 năm sau, nó mới tìm được người chủ mới với cái giá 2 triệu USD: tay
guitar Kirk Hammett của Metallica.
Là
một fan của cả hai tay guitarist, Kirk Hammett đã chịu chơi bỏ ra một khoản
đáng kể để có thể sở hữu cây đàn. Nếu xét về độ nổi tiếng, Hammett của band
nhạc Metallica chắc chắn là nổi tiếng hơn nhiều so với những người chủ trước
của cây đàn. Là một Big 4 của nhạc metal nước Mỹ, Metallica nổi tiếng khắp thế
giới, có nhiều thành công về mặt tài chính và được xem là biểu tượng của nhạc
metal nói chung. Thế nhưng, nếu xét về góc độ khả năng chơi nhạc, nếu so với
những người chủ trước, cũng không quá khi nói rằng Kirk Hammett chỉ là kẻ tầm
thường. Phong cách đánh ồn ào của metal thực sự không phù hợp với những âm
thanh Out-of-phase nhỏ bé mà cảm xúc. Việc Metallica bỏ các phần guitar solo
trong bài hát cũng làm mất đi thế mạnh của cây đàn này. Như vậy, có thể nói,
việc mua lại cây đàn Les Paul chỉ đơn thuần là hình thức sưu tầm mà thôi.
Có
rất nhiều người cho rằng Kirk Hammett không xứng đáng làm chủ cây guitar đó, mà
hãy giao nó lại cho một guitarist xứng đáng hơn. Tuy nhiên theo tôi, chiếc đàn
đã có một người sở hữu hiểu biết và quý trọng nó. Dù không còn được biểu diễn
trên những sân khấu lớn hàng vạn khán giả, cây đàn Les Paul đấy vẫn được một
guitarist đánh lên, thay vì được treo ở một viện bảo tàng nào đấy. Đó là khi
sức sống của nó vẫn còn.
Kết
Những
người đánh đàn thường nói với nhau rằng những cây đàn được “nghe” càng nhiều
nhạc sẽ càng hay. Vậy thì hẳn cây Les Paul của Peter Green sẽ phải hay lắm khi
đã được “nghe” những sáng tác của hai bậc thầy guitar, được là một phần tâm hồn
của hai người nghệ sỹ thiên tài, cùng trải qua bao nhiêu biến cố cuộc đời. Vậy
thì hãy xem sự chênh lệch giữa giá cả của một cây guitar mới cứng và một cây
đàn cũ kĩ là khoản tiền để trả cho “sức sống” của cây guitar đó đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét