Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Pink Floyd - Echoes và thuyết luân hồi

Pink Floyd - Echoes và thuyết luân hồi





Đôi điều về Pink Floyd


Pink Floyd là một ban nhạc rock đến từ cái nôi của những ban nhạc rock sáng tạo và cấp tiến nhất trên thế giới: nước Anh. Những Beatles, Led Zeppelin, Queen, Deep Purple, Rolling Stones, The Who, Dire Straits, Cream, The Police, Black Sabbath, Judas Priest, Iron Maiden … những cái tên mà bất kì người mê rock nào cũng ít nhất một lần được nghe tới. Họ là những nhà sáng tạo, là những kẻ khai phá, những người đi đầu và luôn định hướng dòng chảy cho dòng nhạc rock nói riêng và âm nhạc thế giới nói chung.

Pink Floyd cũng là một ban nhạc như thế. Bắt đầu từ những sinh viên kĩ thuật nhưng đam mê nghệ thuật, Pink Floyd xây dựng âm nhạc của mình với những thiết kế đầy logic cùng những tính toán sắp đặt trong cung cách phối nhạc một cách trơn tru và hệ thống. Thế rồi, công trình ấy lại được đưa qua bàn tay màu nhiệm của Syd Barrett – trưởng nhóm nhạc dù gia nhập sau này - sinh viên mỹ thuật duy nhất trong nhóm. Quả thực, không có Syd Barrett, không có Pink Floyd: "Syd was the guiding light of the early band line-up and leaves a legacy which continues to inspire."

Có thế nói Syd Barrett là hiện tượng dị thường nhất của nền âm nhạc thế giới. Chỉ với 7 năm ngắn ngủi hoạt động âm nhạc, ông đã là cha đỡ đầu của dòng nhạc psechedelic rock và progressive rock, là một trong những tay guitar đầu tiên xây dựng hơi hướng metal trong âm nhạc của mình, và hơn hết ông là người cuốn hút khán giả đến với Pink Floyd từ khi ban nhạc còn chập chững những bước đi đầu tiên. Chỉ cần 7 năm ông đã mãi mãi trở thành huyền thoại. Cũng chỉ 3 năm sát cánh với Roger Waters, Nick Mason và Richard Wright, trước khi rơi vào cơn mê sảng điên cuồng của ma túy, ông vẫn được coi là phần không thể thiếu của ban nhạc khi mà những tư tưởng và phong cách chơi nhạc do ông đặt ra vẫn nằm đâu đó trong những album tiếp theo của Pink Floyd.
Pink Floyd

Tuy vậy, ta cũng không thể phủ nhận vai trò của David Gilmour, nổi tiếng với cây đàn Fender đen huyền thoại, người kế thừa vai trò tưởng như không thể thay thế nổi của Syd và thổi vào ban nhạc những tính cách rất riêng. Thật khó khăn biết bao trước áp lực phải thay thế cả một tượng đài, David Gilmour đã làm quá tốt điều đó khi ông cùng với những thành viên khác của Pink Floyd đã đi đến những đỉnh cao nhất của âm nhạc. Nhưng dù trên đỉnh cao, Pink Floyd vẫn không quên Syd, thậm chí họ đã cho ra đời một album dành riêng cho ông, cũng là một tuyệt tác trong sự nghiệp của ban nhạc: “Wish you were here”. Album chỉ có vẻn vẹn 5 bài hát nhưng chất lượng âm nhạc và tư tưởng thì trên cả tưởng tượng của người nghe. Nổi bật nhất trong album là những lời ngợi ca đầy luyến tiếc của ban nhạc cho người thiên tài âm nhạc đã không còn sát cánh với họ: bài hát “Shine on you crazy diamond” với chiều dài 26 phút, được chia thành 2 đoạn ở đầu và cuối của album. (chơi chữ: Shine on You crazy Diamond = SYD).

Nhiều người cho rằng PinkFloydians (cách những người đam mê Pink Floyd tự gọi mình) là những kẻ lập dị, thích thể hiện, muốn làm mình khác biệt với người khác. Sự thật là ngược lại, trong thời kì huy hoàng của mình, Pink Floyd sở hữu những album bán chạy nhất thế giới, lượng fan khổng lồ và “phá đảo” mọi loại bảng xếp hạng. Rõ ràng, âm nhạc của Pink Floyd là âm nhạc “mainstream” và cho đến bây giờ không hiếm những người vì tò mò tìm hiểu tại sao ban nhạc lại nổi tiếng đến thế mà trở nên say mê với âm nhạc của họ. Cũng có kẻ bảo rằng muốn hiểu được Pink Floyd thì người nghe cần phải say ma túy??? Thiết nghĩ, có cần thiết như vậy không vì chính âm nhạc và tư tưởng truyền đạt trong âm nhạc của Pink Floyd đã đủ để đưa người nghe vào một thế giới khác rồi? Âm nhạc của họ luôn chứa những ẩn số được sắp xếp rất khoa học, nếu người nghe không đủ minh mẫn để suy luận thì liệu họ có thể thưởng thức được âm nhạc của Pink Floyd hay không?

Album Meddle và Echoes

Mỗi album của Pink Floyd đều kể một câu chuyện. Do vậy, người nghe thường theo dõi dòng chảy của cả câu chuyện chứ ít khi chỉ quan tâm đến một nhạc phẩm nhất định. Tuy nhiên, sẽ không phải là quá đáng nếu nói Echoes là điểm nhấn, là tiếng vang vọng lớn nhất của cả album Meddle – album thứ 6 của ban nhạc Pink Floyd kể từ khi thành lập. Điểm đặc biệt của album này là mỗi bài hát là một câu truyện riêng được viết bởi từng thành viên trong ban nhạc. Cuối cùng, tất cả các mạch chuyện đó tụ hợp lại ở nhạc phẩm cuối cùng trong album: Echoes. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta đánh giá thấp những tác phẩm khác trong Meddle, chúng đều là những trải nghiệm âm nhạc thú vị.

Meddle Cover Art - 1971 - Storm Thorgerson

Về kĩ thuật âm nhạc, Echoes hay, nhưng hay một cách “bình thường” so với mọi tác phẩm khác của Pink Floyd. Pink Floyd vẫn vậy, họ không chỉ dừng lại ở dùng những âm thanh từ nhạc cụ của mình mà hòa quyện thêm vào đó là những tiếng động tưởng như bâng quơ từ cuộc sống hàng ngày. Họ vẫn điều khiển âm nhạc của mình để tạo ra những hiệu ứng, đưa người nghe theo những ý đồ nghệ thuật đã được sắp đặt sẵn. Các nhạc công của Pink Floyd cũng vẫn vậy, họ chơi chậm mà hay, không cần nhiều nốt nhạc trong một giây nhưng từng nốt nhạc đưa vào đều là những điểm nhấn cần thiết và chạm đến cảm xúc của người nghe. Vậy thì điều gì đã đưa nhạc phẩm này trở thành sáng tác hay nhất của ban nhạc Pink Floyd, những người mà công việc bình thường của họ đã là tạo ra những tuyệt phẩm?

Tư tưởng – đôi cánh của Echoes

Echoes là một ca khúc rất nổi tiếng của Pink Floyd. Lướt qua những dòng bình luận về ca khúc này trên các trang web chia sẻ bài hát và lời hát, người ta dễ có thể nhận thấy những từ ngữ ngợi ca như “trải nghiệm tuyệt vời”, “đỉnh cao của cảm xúc”, “quá ấn tượng” hay “đáng nghe trước khi chết”… Quả thật, có điều gì đó làm chạm đến cảm xúc của mỗi người nghe mà hơn cả hiệu ứng kỳ diệu của âm nhạc mà bài hát mang lại. Điều gì đó thật gần gũi mà nằm sâu trong từng lời hát tưởng chừng như vô nghĩa.

Một lời khuyên cho những ai sẽ đọc những dòng dưới đây: Hãy chọn cho mình một khoảng không yên tĩnh, tìm lời bài hát và trải nghiệm ca khúc này. Hãy sử dụng trí tưởng tượng và suy luận logic của mình để tìm hiểu Echoes. Đừng để những quan điểm dưới đây ảnh hưởng quá lớn đến ý thức của bạn. Âm nhạc pschedelic là vậy, luôn luôn là một thế giới mở cho những ai say mê nó, ta nghĩ nó là gì thì nó sẽ là như thế.
.
Sự khởi đầu và bài thơ “Rime of the Ancient Mariner”

“OVERHEAD THE ALBATROSS
HANGS MOTIONLESS UPON THE AIR
AND DEEP BENEATH THE ROLLING WAVES
IN LABYRINTHS OF CORAL CAVES
AN ECHO OF A DISTANT TIME
COMES WILLOWING ACROSS THE SAND
AND EVERYTHING IS GREEN AND SUBMARINE”

Người Việt chúng ta chẳng ai xa lạ gì với thuyết luân hồi của đạo Phật. Nói một cách đơn giản, chết chưa phải là kết thúc. Linh hồn chúng ta sau khi lìa khỏi thể xác sẽ lại tìm kiếm chủ thế mới ở một trong 6 giới để tái sinh. Sự tồn tại của chúng ta là vậy, cứ mãi là những vòng quay không ngừng. Trong kiếp sống của mình, ta gieo gió thì gặt bão, ác nghiệp ta tạo ra nếu ta không phải chịu ở kiếp này thì kiếp sau ta sẽ phải chịu. Tư tưởng đó đã khuyến khích mọi người làm việc thiện để tích đức cho mình trong kiếp này lẫn kiếp sau. Hơn thế nữa, nếu con người đang phải chịu khổ ở kiếp này, hãy nhớ lấy rằng do chính bản thân mình kiếp trước đã gây ác nghiệp hay đã hưởng đủ phúc phận, xin hãy đừng đổ tại cho hoàn cảnh, cho những người khác mà trước hết hãy tự trách lấy bản thân và hướng mình đến những điều tốt đẹp hơn. Vậy, tư tưởng đến từ phương Đông xa xôi ấy có gì liên quan đến một ban nhạc rock nổi tiếng ở nước Anh? Điều này sẽ được bóc tách dần dần khi dòng tư tưởng của bài hát được phân tích.

Khúc dạo đầu của bài hát sẽ gây khó hiểu cho người nghe, nếu họ chưa nghe những lời hát đầu tiên của David Gilmour và cũng chưa từng biết tới bài thơ nổi tiếng “Rime of the Ancient Mariner”. Với họ, nó chỉ là tiếng vang vọng khi một thứ gì đó va chạm với mặt nước rồi chìm sâu xuống đáy biển. Không chỉ một lần, mà là nhiều, rất nhiều lần như vậy. Như đã nói ở trên, Pink Floyd rất hay đưa những âm thanh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày vào bài hát của mình để tạo hiệu ứng cho người nghe nhạc. Liệu đây cũng chỉ là những ứng dụng âm thanh tài tình của ban nhạc như trong bao nhiêu tác phẩm khác? Để trả lời câu hỏi này, trước hết, hãy dừng lại một chút và tìm hiểu thêm về “Rime of the Ancient Mariner” đã.


Mặc dù tác phẩm “Rime of the Ancient Mariner” của nhà thơ Samuel Taylor Coleridge là một trong những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn nhất trong văn học ngôn ngữ Anh, bài thơ đem đến cho người đọc một trải nghiệm khó tả và nhiều khi gây ra các cảm giác khó hiểu. Qua tác phẩm, Samuel T. Coleridge  kể một câu chuyện dài, với nhiều màu sắc siêu tưởng và mang đậm tính chất tôn giáo. Rất có thể tác phẩm này sẽ rất khác tất cả các bài thơ mà bạn đã từng đọc. Bài thơ có thể là một thế giới rộng lớn cho con người khám phá và suy nghĩ, nhưng nó cũng có thể làm nản lòng nhiều người muốn tìm hiểu nó. Dù sao đi chăng nữa, hãy hết sức bình tĩnh, “Rime of the Ancient Mariner” sẽ càng mang lại nhiều cảm xúc khi ta càng dành nhiều thời gian cho nó. Một bản sao của bài thơ có thể tìm được trong websites: 

Nội dung của bài thơ có thể tóm lại như sau:

Hãy thử tưởng tượng mình là một trong ba chàng trai trẻ đang chuẩn bị tham gia một bữa tiệc đám cưới linh đình, với bạn bè, thức ăn, đồ uống và những cô gái trẻ đẹp (the Wedding Guest). Thế rồi, bỗng nhiên bạn bị chặn lại ngay trước cửa bởi một lão già gàn dở với gương mặt xanh xao như kẻ bệnh tật (the Ancient Mariner). Ông ta năn nỉ xin bạn thời gian để nghe câu chuyện cuộc đời ông, trong khi những người bạn đi cùng đã tham gia vào bữa tiệc trước. Bạn sẽ làm gì? Tất nhiên, ta sẽ khó chịu và đẩy ông già đó ra. Thế nhưng, trong đôi mắt van nài của the Ancient Mariner, the Wedding Guest miễn cưỡng lắng nghe câu chuyện.
Câu chuyện kể về thời trẻ của the Ancient Mariner. Ông ta là một thủy thủ trên con thuyền hướng đến Bắc Cực. Hải trình đang diễn ra suôn sẻ thì cơn bão rất lớn như con quái vật xua đuổi con thuyền vào một vùng nước bị bao phủ bởi băng giá ánh lên sắc xanh của nước biển – “Everything is green and submarine”. Khi cả đoàn thủy thủ tuyệt vọng chờ chết trong vùng nước không lối thoát thì chợt một chú chim hải âu bay đến với con thuyền (the Albatross) mang theo những điềm lành và đưa con thuyền vượt qua vùng nước. Cả đoàn thủy thủ coi chú chim như con vật may mắn với con thuyền. Thế rồi một hôm đoàn thủy thủ bất ngờ không thấy chú chim đâu. The Ancient Mariner đã giết chú chim hải âu!!!
Kể từ lúc đó, con thuyền liên tục gặp những sự kiện quái gở: mặt trời bỗng đỏ rực màu máu, gió chợt ngừng thổi, cả vùng biển cạn sạch nước rồi bị thay thế bởi những con rắn biển nhơ nhớp, mặt biển xuất hiện những con vật nhỏ li ti phát ra những ánh sáng xanh kì bí… Và những cơn ác mộng về những linh hồn dưới đáy biển bám theo con thuyền cứ hàng ngày ập đến với từng thủy thủ. Những người thủy thủ, kiệt quệ dần vì điều kiện khắc nghiệt, dồn hết căm phẫn vào the Mariner. Và hình ảnh biểu tượng của bài thơ xuất hiện, họ treo xác chú chim hải âu quanh cổ của the Mariner để ông mãi mãi ghi nhớ điều mà mình đã gây ra – “Overhead the Albatross, hang motionless upon the air”.
Thế rồi từ phía xa, một con thuyền xuất hiện. Tưởng như mình được cứu mọi người tiến lại gần, nhưng không, đó là một con thuyền ma. Trên đó, có hai người đang chơi ném xúc xắc: Death và Life-in-Death. Life-in-Death – trông như một người phụ nữ bình thường nhưng mang theo gương mặt đau khổ và bệnh tật đã thắng. Nhưng, chẳng có gì đặc biệt xuất hiện. Sau cuộc gặp đó, 200 thủy thủ đi cùng the Mariner đã chết, linh hồn họ lao qua the Mariner như mũi tên mà ông đã từng giết chú chim hải âu, ánh mắt của họ khi chết vẫn nhìn chằm chặp về phía ông ta.
Đến đêm khi mặt trăng lên cao, the Mariner nhìn xuống những con rắn biển và chợt nhận ra chúng cũng khá đẹp. Ông chúc chúng những lời tốt đẹp nhất từ trái tim mà không hề hay biết. Đột nhiên, lời nguyền của ông được giải, con chim hải âu của ông đeo trên cổ bỗng rơi xuống đáy biển, tiếng vọng (Echo) vang xa trên mặt biển - “And deep beneath the rolling waves, in ladyrinths of coral caves, an echo of a distant time comes willowing across the sand”. Kể từ đó, mọi chuyện trở nên tốt đẹp với the Mariner, mưa rơi xuống, gió cũng lên và những xác chết thủy thủ dựng dậy chèo lái con thuyền cùng ông ta. Cuối cùng, ông được một chiếc thuyền cứu sống trước khi thuyền chìm xuống mặt biển. Kể từ đó, ông đi tìm những ai cần để cho họ nghe về câu chuyện đời ông.
Câu chuyện kết thúc, the Ancient Mariner cũng đi mất, the Wedding Guest chợt không muốn đi dự tiệc nữa. Ngày hôm sau thức dậy, anh đã trở thành một con người buồn bã hơn nhưng cũng thông thái hơn.

Như vậy, ta có thể chắc chắn rằng những lời hát đầu của nhạc phẩm Echoes đã nhắc đến chính bài thơ này. Hay nói cách khác, bài thơ là nguồn cảm xúc gợi nên ý tưởng sáng tác cho tuyệt phẩm này của Pink Floyd. Để phục vụ cho những phân tích về Echoes, xin mạn phép được đưa ra những suy nghĩ nhằm lý giải bài thơ rất khó hiểu này. Tất nhiên, bài thơ có thể hiểu theo nhiều cách và những dòng sau đây có thể hoàn toàn sai lệch với ý đồ của tác giả.

Thứ nhất, bài thơ dạy cho ta sự kiên nhẫn. Nếu the Wedding Guest không kiên nhẫn ngồi nghe câu chuyện, anh ta sẽ không thể trở thành một con người thông thái hơn. Nếu người đọc chúng ta không kiên nhẫn và nghiên cứu bài thơ nhiều lần, ta cũng chỉ thấy nản lòng với chính nó và với chính bản thân ta.

Thứ hai, bài thơ đang muốn nói đến mối quan hệ nhân – quả trong cuộc sống. Hành động giết chú chim hải âu (the Albatross) là một nghiệp ác và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bài thơ không nói tại sao the Ancient Mariner lại ra tay làm việc này, chỉ để muốn nói rằng, việc ác dù có lý do gì đi nữa, chính đáng hay không chính đáng, cũng vẫn là một việc ác. Biểu trưng cho sự dằn vặt và đau khổ với nghiệp ác của một người gây ra chính là xác con chim hải âu được treo trên cổ. Cho tới khi, những tia sáng tốt đẹp xuất hiện trong the Mariner, ông đã được giải thoát khỏi những dằn vặt ấy. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, ông ta chỉ giải thoát được sự ăn năn hối hận của mình, nhưng những hình phạt mà ông phải chịu cho hành động của mình vẫn còn. Hình phạt ông mang chính là Life-in-Death, đến đoạn giữa và cuối cùng, ta chợt nhận ra the Ancient Mariner mang đẩy đủ những đặc điểm của hình tượng Life-in-Death, cũng gương mặt buồn khổ và bệnh tật ấy. Ông ta đã phải chịu điều tồi tệ hơn cả cái chết, sống để nhìn người khác ngã xuống, sống để tiếp tục hứng chịu mọi đau đớn, cho dù the Mariner có cố làm việc tốt bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình cho những người khác hiểu, ông chỉ quên đi những dằn vặt cho mình mà thôi. Hình phạt chính là cuộc sống đau khổ thì ông ta vẫn phải chịu đựng. Ngày hôm sau, the Wedding Guest tự nhận mình là con người buồn khổ nhưng thông thái hơn, có phải vì anh ta đã hiểu cuộc sống này là nỗi khổ, những cuộc vui trên đời chỉ là ảo ảnh? Chờ đã, điều này có vẻ tương đồng với Phật giáo thì phải.

Quay lại với intro của nhạc phẩm Echoes, sau khi đã tìm hiểu về đoạn lời bài hát đầu tiên, ta chợt hiểu sự tài tình và tinh tế của Pink Floyd khi khởi đầu bằng tiếng vật gì đó rớt xuống nước. Những âm vang va đập ấy có lẽ là tiếng những chú chim hải âu thoát khỏi cổ mỗi người chúng ta và lao thẳng xuống đáy biển sâu. Hãy nhớ rằng Pink Floyd đang muốn mô tả sự khởi đầu của cuộc sống bằng âm nhạc của mình. Khi con người bắt đầu kiếp sống, những dằn vặt về tội ác, những níu kéo của cuộc đời ở kiếp trước đã kết thúc như những gánh nặng được ném xuống đáy biển. Nếu ta nhắm mặt lại và cảm nhận, những giai điệu guitar đầu tiên của David Gilmore như muốn thể hiện sự tỉnh giấc của linh hồn, và thế rồi, nhịp trống nhẹ nhàng tăng dần như những nhịp đập trái tim của một cơ thể mới.

Tuy nhiên, quy luật nhân quả sẽ không buông tha chúng ta, hay đúng hơn là chúng ta vẫn phải hứng chịu hậu quả do chính mình đã thực hiện. Đó là lý do vì sao, Pink Floyd đưa bài thơ “Rime of the Ancient Mariner” vào ngay sau sự khởi đầu của cuộc sống, như một lời nhắn nhủ con người ta về chân lý đã tồn tại mãi mãi này.

Cuộc sống và mong muốn khám phá ánh sáng của nhận thức

“AND NO ONE CALLED US TO THE LAND
AND NO ONE KNOWS THE WHERES OR WHYS.
SOMETHING STIRS AND SOMETHING TRIES
STARTS TO CLIMB TOWARDS THE LIGHT.

STRANGERS PASSING IN THE STREET
BY CHANCE TWO SEPARATE GLANCES MEET
AND I AM YOU AND WHAT I SEE IS ME.
AND DO I TAKE YOU BY THE HAND
AND LEAD YOU THROUGH THE LAND
AND HELP ME UNDERSTAND
THE BEST I CAN.

AND NO ONE CALLED US TO THE LAND
AND NO ONE CROSSES THERE ALIVE.
NO ONE SPEAKS AND NO ONE TRIES
NO ONE FLIES AROUND THE SUN...

Ở đoạn tiếp theo của Echoes, cuộc sống được miêu tả qua những giai điệu vui tươi, nhiều màu sắc và Pink Floyd đã hoàn toàn thể hiện được điều đó qua âm nhạc của mình. Xin đừng quá chú ý đến giai điệu đều đều của tiếng hát, hãy nhớ rằng tiếng hát chỉ là người dẫn chuyện trong khi âm nhạc mới là nội dung câu chuyện.

Trong cuộc sống, ai chẳng có băn khoăn về sự tồn tại của ít nhất bản thân mình. Thế nhưng, ta vẫn chỉ là những kẻ nằm trong bóng tối (Dark side of the Moon), bị giới hạn bởi những khả năng của con người bình thường – “And no one called us to the land, and no one knows the wheres or whys. Something stirs and something tries starts to climb towards the light”.  “The light” là biểu tượng cho hiểu biết của con người về sự tồn tại của vạn vật., nhưng con người dường như lạc lõng trong cuộc hành trình tìm kiếm sự thật ấy. Đơn giản là bởi vì chẳng ai quay lại kể cho ta về điều gì xảy ra sau cái chết, chưa một ai đi vòng quay mặt trời chân lý để đem tri thức đến cho con người – “And no one crosses there alive. No one flies around the sun…”


Phật giáo cho rằng không gian hay thời gian thực tế không tồn tại mà chỉ do nhận thức của con người quá hạn chế nên chỉ cảm nhận được chúng. Theo đạo Phật, thời gian chuyển động theo đường cong mang tính lặp lại và kế thừa. Không gian bị đan xen bởi những thế giới song song giao cắt nhau mà con người bình thường chưa thể phân biệt được. Điều này thật tính cờ lại xuất hiện trong tác phẩm Echoes, Pink Floyd  băn khoăn người mình tình cờ gặp ngoài đường có phải là chính mình ở một thế giới song song khác hay không, vì thời gian hay không gian mà ta cảm thấy thực ra đâu có nghĩa lý gì? – “Strangers passing in the street. By chance two separate glances meet, and I am you and what I see is me.” Như vậy đấy, có những thứ ở ngay trước mắt chúng ta, nhưng con người vẫn không thể biết được chân lý đằng sau những cuộc gặp gỡ định mệnh ấy mà tiếp tục mê mỏi đắm chìm trong ảo giác.

Cái chết

Những âm thanh rạo rực với tiếng guitar mạnh mẽ và nhịp trống – bass dồn dập bỗng chợt dừng lại: Cái chết đã tới. Chỉ trong một vài giây ngắn ngủi, Pink Floyd đã phủ đầy bài hát với một màu tăm tối và kỳ bí. Cái chết đến nhanh và bất ngờ như thế đấy.

Ban đầu là những tiếng gió hú âm u như những linh hồn đang trò chuyện, giao tiếp với nhau. Con người đang dần nhận thức được thế giới bí ẩn của những linh hồn. Âm thanh ấy bấu víu lấy cả trường đoạn này như đang thể hiện thế giới ấy vẫn luôn tồn tại quanh ta, chẳng qua chỉ tới lúc ấy con người mới có thể cảm nhận được sự tồn tại của nó. Thế rồi những âm thanh khác dần dần xuất hiện. Tiếng kéo dây réo rắt đến khó nghe của cây đàn guitar dường như đang diễn tả nỗi đau đớn tột cùng của linh hồn khi phải rời bỏ những ràng buộc của nó vốn có với thân thể và số kiếp này. Đan xen với đó là tiếng quạ đang kêu réo, dẫn đường cho linh hồn con người. Những âm thanh ấy cứ lạc lõng dần và chỉ kết thúc khi linh hồn đã dứt bỏ hoàn toàn với thể xác để chuẩn bị cho một chu kì mới.

Sự hồi sinh

Những tiếng vang vọng như lúc khởi đầu lại xuất hiện. Con người với linh hồn cũ và thể xác mới lại quẳng hết những gánh nặng của kiếp trước xuống đáy biển sâu thẳm. Cái chết chỉ là một sự chuyển giao, một sự cắt đứt ràng buộc với một thế giới. Con người lại tái sinh ở một thế giới song song khác, linh hồn ta lại tiếp tục đi tiếp vòng quay luân hồi.  Liệu bí mật này ai có thể xác thực được? Phải chăng đạo Phật là tôn giáo đang đi đúng hướng với quy luật cuộc sống mà Pink Floyd đang nêu ra? Không ai trả lời và đủ sức thuyết phục được cho những kẻ người trần mắt thịt như chúng ta. Ta vẫn chưa tin, cho tới khi ta đối mặt với cái chết.


 “CLOUDLESS EVERYDAY YOU FALL
UPON MY WAKING EYES,
INVITING AND INCITING ME
TO RISE.
AND THROUGH THE WINDOW IN THE WALL
COME STREAMING IN ON SUNLIGHT WINGS
A MILLION BRIGHT AMBASSADORS OF MORNING.

AND NO ONE SINGS ME LULLABIES
AND NO ONE MAKES ME CLOSE MY EYES
SO I THROW THE WINDOWS WIDE
AND CALL TO YOU ACROSS THE SKY....

Khi đã hiểu nội dung chính của Echoes, chắc hẳn ta sẽ không thấy những dòng tự sự cuối cùng quá khó hiểu nữa. Chân lý luôn ở trước mắt ta, tồn tại ngay bên cạnh ta. Ánh sáng chân lý của cuộc sống – “The light” vẫn rọi chiếu cuộc sống của hàng vạn sinh linh, không hề có một gợn mây nào ngăn cản con người với ánh sáng ấy. Ta có thể nghe, ta có thể nhìn, ta có thể chạm vào nó, cảm nhận nó, nhưng giới hạn của ta không cho phép ta hiểu được nó.

Nếu bạn đang sống (No one sings me lullabies = ta không phải là đứa trẻ mới bắt đầu tái sinh; No one makes me close my eyes = ta cũng chưa đến lúc phải chết) và muốn tìm hiểu nhận thức thì hãy mở rộng cánh cửa tri thức của bản thân, hãy sẵn sàng tiếp nhận ánh sáng chân lý – “So I throw the windows wide and call to you across the sky”. Hãy kiên nhẫn chờ đợi như the Wedding Guest trong bài thơ “Rime of the Ancient Mariner”, rồi biết đâu đấy, một ngày nọ ta sẽ hiểu rõ hơn về kiếp sống con người.

Kết

Như vậy, rất có thể có khả năng tuyệt phẩm Echoes của Pink Floyd đang muốn đưa người nghe tìm hiểu về sự sống – cái chết và liệu linh hồn chúng ta có được tái sinh. Pink Floyd đặt ra một câu hỏi và Phật giáo đã đưa ra câu trả lời của mình: Thuyết luân hồi. Chẳng ai có thể biết những thành viên trong ban nhạc Pink Floyd đã tiếp cận với tri thức Phật giáo bao giờ chưa? Nếu thực sự Pink Floyd có biết đến đạo Phật, Echoes sẽ là một sự diễn giải nghệ thuật sâu sắc bằng âm nhạc và ca từ. Nếu Pink Floyd chưa biết đến đạo Phật, ta lại càng băn khoăn hơn. Phải chăng tri thức ấy là một. Những con người khác nhau về khoảng cách địa lý và thời gian nhưng lại cùng nhìn thấy những điều ta còn chưa thể nhận biết. Ta không thể phủ nhận được sự tồn tại của những con người có khả năng đặc biệt. Có thể thế giới họ cảm nhận được có điều gì đó khác với thế giới mà chúng ta vẫn đang cảm nhận.