In the Court of the
Crimson King: Nguyên lý cơ bản của Progressive Rock
King
Crimson - những kẻ thách thức thời đại
Trên
đời, ai sinh ra mà chẳng muốn mình được đặc biệt. Cái khát khao ấy lại càng
cháy bỏng hơn nữa với người nghệ sỹ, những người luôn muốn cống hiến tất cả
những gì mình có để có thể để lại một thứ gì đó cho nhân loại, để tên tuổi họ
vẫn luôn được xướng danh cho tới muôn đời sau. King Crimson được thành lập với
mục tiêu duy nhất là thỏa mãn cái khát khao chảy bỏng đó. Có thể nói rằng King
Crimson được sinh ra để thách thức dòng nhạc rock ở thời điểm đỉnh cao nhất,
đang là trào lưu âm nhạc của thời đại với những cái tên như the Beatles, the
Kinks, the Rolling Stones, Led Zepplelin, hay the Jimmy Hendrix Experience. Nếu
như nhạc rock phổ biến thời đó thường lấy gốc từ nhạc blues rồi đơn giản hóa,
gai góc hóa, với lời hát xoay quanh những vấn đề về tình yêu và tình dục, chống
đối lại chính quyền và phản chiến, thì King Crimson muốn làm ngược lại, muốn
viết về những chủ đề siêu thực hơn. Không muốn phải giống những ban nhạc cùng
thời, King Crimson rẽ nhạc rock sang một hướng đi khác, ngẫu hứng và phá cách
hơn nữa. Âm nhạc của họ phải ở một tầm cao mới, thật phức tạp và lạ lẫm.
Chính
vì vậy, album đầu tay của ban nhạc In the
Court of the Crimson King đã ra đời, là sự phối trộn của chất rock mạnh mẽ
với sự ngẫu hứng của nhạc jazz và sự phức tạp của nhạc giao hưởng. Album này là
dấu mốc hết sức quan trọng trong lịch sử nhạc rock, là album Progressive Rock
đầu tiên, với tầm ảnh hưởng không kém “The Dark Side of the Moon” của Pink
Floyd. Quả thật King Crimson đã làm được những gì mình muốn ở ngay album đầu tay
của mình. Âm nhạc của họ như những bản nhạc giao hưởng sẽ chẳng bao giờ bị
thoái trào. Lời hát của họ vẫn nóng hổi và sống mãi với thời đại ngày nay. Vì vậy,
nếu bạn muốn tìm hiểu về progressive rock, hãy mở cuốn sách giáo khoa In the Court of the Crimson King, ở đó
sẽ có tất cả những gì tinh túy nhất của thể loại âm nhạc này.
Để
tạo nên một tuyệt tác như vậy thì phải hiểu những con người đứng đằng sau phải
“điên” đến mức độ nào. Line up ban đầu của King Crimson gồm có 5 thành viên:
Robert Fripp, Micheal Giles, Greg Lake, Ian McDonald, và Peter Sinfield. Cho
tới nay, trải qua bao nhiêu thay đổi về nhân sự và phong cách âm nhạc, các fan
của King Crimson vẫn luôn cho rằng đây là phiên bản hoàn hảo nhất của ban nhạc.
Không
thể nói tới King Crimson mà không nhắc tới tay guitar Robert Fripp, một trong
những guitar heroes của mọi thời đại. Fripp là động lực chính thúc đẩy sự phát
triển của King Crimson trong suốt 50 năm. Với ông, King Crimson giống một dự án
thử nghiệm hơn là một ban nhạc, là nơi quy tụ của những nghệ sỹ có chung quan
điểm sáng tác trong một thời điểm nhất định. Cho dù ban nhạc đã thay đổi tới
hơn 20 thành viên, Fripp vẫn ở lại và luôn sẵn sàng thay đổi bản thân. Ông
không bao giờ từ bỏ thôi thúc được thử nghiệm với âm nhạc, muốn tạo ra những
thứ mới mẻ hơn nữa, không bao giờ lặp lại, kể cả với những gì mà chính ban nhạc
của ông đã tạo ra.
Nếu
như Fripp là chất rock, là giai điệu xuyên suốt của ban nhạc, thì nhịp điệu và
tiết tấu của từng bài hát được đảm nhiệm bởi tay trống Giles và tay guitar bass
Lake, hai người bạn đã từng có thời gian dài chơi nhạc với Fripp nhưng vẫn chưa
thấy thành công. Họ đã cùng nhau tạo nên những tiết tấu biến đổi không ngừng
trong album này, phả vào đó hơi hướng nhạc jazz bằng kỹ thuật chơi nhạc điêu
luyện của mình. Đặc biệt hơn, Lake còn đảm nhiệm vai trò hát chính cho King
Crimson và buộc phải lần đầu chơi bass trong album đầu tiên của ban nhạc sau
hàng chục năm chơi đàn guitar.
Để
có thể phối trộn được rock, jazz và nhạc cổ điển, ban nhạc cần một cá nhân có
hiểu biết và chơi nhiều thể loại nhạc đa dạng. Và thật may mắn khi họ đã kiếm
được McDonald, một quái kiệt có thể chơi tới hàng chục nhạc cụ khác nhau. Hình
ảnh của McDonald đã gắn liền với cây đàn Mellotron, một phát kiến mới về công
nghệ thời bấy giờ. Để có thể tạo được những âm thanh như trong một dàn giao
hưởng, McDonald đã áp dụng ngay sáng tạo đó một cách hết sức tài tình. Cây đàn
này như một chiếc máy hát thu âm trên băng, trong đó ghi lại âm thanh thực của
từng nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Cái hay của cây đàn này so với những
cây keyboard hiện nay là âm thanh của nó mang đến cho người nghe một cảm giác
hoài cổ, xa xôi, làm thời gian như ngưng đọng hơn. Chính nhờ tài năng của
McDonald mà âm nhạc của King Crimson trở nên đột phá và in đậm trong tâm trí
người nghe ngay lập tức. Và có thể nói, chính Ian McDonald đã gắn cây đàn
Mellotron thành một phần không thể thiếu của dòng nhạc Progressive Rock, định
hướng phong cách âm nhạc cho nhiều ban nhạc sau này.
Cuối cùng, chúng ta phải
nhắc tới một thành viên hết sức đặc biệt, Peter Sinfield. Ông chỉ đảm nhiệm một
vai trò duy nhất: viết lời. Cùng với Lake, Sinfield đã kiến tạo nên một nội
dung bao trùm xuyên suốt cả album, với đầy những hình ảnh mê hoặc và kỳ bí.
Những câu từ ngữ nghĩa của ông khiến người nghe nhạc phải căng đầu ra để suy
nghĩ và chắp nối, nhưng cũng nhẹ nhàng hòa quyện với phần giai điệu mà các
thành viên khác tạo ra. Ta sẽ khám phá sâu hơn cái tầm của Sinfield khi phân
tích kỹ hơn câu chuyện ẩn mình sau In
The Court of the Crimson King trong
những phần dưới đây.
21st
Century Schizoid Man - tương lai tăm tối của nhân loại
Trong
một buổi chiều mùa hạ tại Hype Park, London, năm 1969, công chúng âm nhạc nước Anh lần
đầu tiên được nghe một bản nhạc mạnh mẽ đến thế từ một ban nhạc vô danh mở màn
cho the Rolling Stones. Đó chính là bản nhạc heavy metal đầu tiên của thế giới được
sáng tác bởi King Crimson. Để chỉ vài tháng sau, album heavy metal đầu tiên được
trình làng cho khán giả: Black Sabbath của ban nhạc cùng tên và phần còn lại là
lịch sử.
21st Century Man, live in Hype Park 1969
Khi
giọng hát đầy phẫn nộ của Lake vang lên kết hợp cùng tiếng guitar distortion và
tiếng saxophone ngẫu hứng, bầu không khí của Hype Park bỗng chốc trở nên ngột
ngạt hơn, đưa người nghe tới một thế giới tương lai ảm đạm hơn rất nhiều so với
thế giới quan từ phong trào hippies “Make love not war” trong dòng nhạc rock đang
thịnh hành thời bấy giờ. Cũng là sự bất mãn với chiến tranh và chính trị, nhưng
góc nhìn của King Crimson là thực tiễn và cực kỳ tiêu cực. Những âm thanh ban
đầu của bài hát như những tiếng gào của một con người bỗng chợt nhận ra thế
giới mà mình đang sống thối nát đến mức nào, như trong tấm ảnh bìa cho album
này vậy. Nên nhớ lúc bấy giờ là những năm cuối thập niên 60, khi mà cuộc chiến
tranh Việt Nam đang leo thang và những mâu thuẫn trong xã hội phương tây được
đẩy lên tới đỉnh điểm. Bài hát là một lời tiên tri của Peter Sinfield cho nhân
loại 100 năm sau (21st Century) và quả
thực, khi đang sống ở thế kỷ 21 và đọc lại những gì Sinfield viết, ta có thể
thấy chúng vẫn thật thời sự.
Cover art của In the Court of the Crimson King - by Barry Godber |
Cat's foot iron claw
Neurosurgeons scream for
more
At paranoia's poison
door
Twenty first century
schizoid man
Blood rack barbed wire
Politicians' funeral
pyre
Innocents raped with
napalm fire
Twenty first century
schizoid man
Death seed blind man's
greed
Poets' starving children
bleed
Nothing he's got he
really needs
Twenty first century
schizoid man
Ở
thế kỷ 21 của Sinfield, con người đã quá đầy đủ về mặt vật chất “Nothing he’s got he really needs” và
công nghệ đã thay thế cho tự nhiên một cách thừa thãi “Cat’s foot iron claw”. Thế nhưng tâm lý của con người lại trở nên
bất ổn và điên rồ hơn với những nỗi sợ hãi mới từ chính những gì mình tạo ra, trong
khi những bác sỹ thần kinh không hết việc để làm: “Neurosurgeons scream for more”. Những “schizoid man” của tương lai sống vô cảm và tách biệt với xã hội.
Họ không muốn ra đường, bởi vì ngoài đó đầy rẫy những tệ nạn và mâu thuẫn xã
hội. Xã hội con người quá phức tạp và rối ren khiến họ sợ chính cánh cửa căn
nhà của mình: “Paranoia’s poison door”.
Quả thật, con người càng thông thái hơn, càng hiểu hơn về xã hội loài người,
thì họ lại càng vô cảm và chán ghét với nhân loại. Khoa học có thể giúp con người hiểu biết về thế giới, giúp cuộc sống dễ dàng nhiều lạc thú hơn, nhưng chẳng thế giúp người ta thoát khỏi sự suy sụp của tâm lý. Logic và trí tuệ càng phát
triển thì con người lại càng bị đẩy tới bờ vực diệt vong về mặt tư tưởng, như Albert Einstein
đã từng viết: “Thật đáng sợ là rõ ràng tiến bộ công nghệ đã vượt xa bản chất
của loài người”.
Ở
thế kỷ 21 của Sinfield, chiến tranh vẫn sẽ xảy ra và mạng người vô tội vẫn sẽ
mất đi như một trò chơi của các chính trị gia “Politicians’ funeral pyre”. Sinfield ở đây đã sử dụng những hình
ảnh chết chóc của cuộc chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ để minh họa: “Blood rack barbed wire” và “Innocents raped with napalm fire”. Nhưng,
ông không chỉ phản đối cuộc chiến vô nghĩa này mà còn nhắc chúng ta rằng những
cuộc chiến tương tự sẽ luôn luôn song hành với một nhân loại đang thờ ơ vì bạo
lực đã là bản chất của con người, là sự bùng phát không thể tránh khỏi khi con người đã mất hết những gì trong bản thể sơ khai nhất. Trong góc nhìn của King Crimson, nhân loại chắc
chắn sẽ tự mình hướng tới diệt vong vì tư lợi cá nhân mù quáng, vì cái trước
mắt mà quên mất thế hệ tương lai, vì cái vật chất mà quên mất cái tinh thần. Bài hát kết thúc trong tiếng đếm ngược như
một quả bom đang nổ chậm để tượng trưng cho sự chấm dứt của loài người. Liệu
loài người sẽ kết thúc ở thế kỷ 21 như Sinfield đã tiên đoán?
Ngược
lại hoàn toàn với những tăm tối và hỗn loạn của bài hát đầu tiên, những âm
thanh nhẹ nhàng của I talk to the wind
qua tiếng flute mang phong cách cổ điển của McDonald lại dẫn dắt người nghe vào
một miền không gian trìu tượng một cách nhẹ nhàng:
Said the straight man to
the late man
Where have you been?
I've been here and I've
been there
And I've been in between
I talk to the wind
My words are all carried
away
I talk to the wind
The wind does not hear
The wind cannot hear
Bài
hát là lời tự sự của “the late man”,
người mang theo một tri thức tối thượng nào đó và có vẻ muốn chia sẻ nó cho
nhân loại: “I've been here and I've been
there”. Thế nhưng, ông ta nói và nói mãi mà không có ai nghe, tưởng như
mình đang nói với những cơn gió vậy: “My
words are carried away”. Cái câu hỏi và câu trả lời tưởng chừng như vô
nghĩa trên lại có thể có nguồn gốc từ phần mở đầu của kinh Job: “Chúa hỏi:
“Where have you been? Và quỷ Satan trả lời: "I have been walking here and
there, roaming around the earth”.
Có
vẻ người ta đã không nghe và bây giờ người ta sẽ không thể nghe thấy “the late man” nữa. Nhiều người cho rằng
bài hát mang lại sự thư thái và bình tĩnh đến mức như ru ngủ bởi sự lặp lại của
ca từ và tiếng sáo nhẹ nhàng, nhưng với tôi, I talk to the wind tiêu cực hơn rất nhiều. Bài hát đúng là có sự
thư giãn và bình tĩnh, nhưng đó là bởi vì “the
late man” đã chán ngấy với nhân loại và chẳng thèm quan tâm nữa: “Just upset my mind” và “Just use up my
time”, tất cả chỉ còn lại là sự bối rối với ông: “Much confusion, disillusion”. Hình tượng “the straight man” ở đây còn là đại diện cho những con người lý trí
của thời đại, để đối nghịch lại với “the
late man”, đại diện cho cảm xúc và sự tự do tự tại.
Epitaph - Confusion is
my epitaph
The wall on which the
prophets wrote
Is cracking at the seams
Upon the instruments of
death
The sunlight brightly
gleams
When every man is torn apart
With nightmares and with
dreams,
Will no one lay the
laurel wreath
When silence drowns the
screams
Confusion will be my
epitaph
As I crawl a cracked and
broken path
If we make it we can all
sit back
And laugh
But I fear tomorrow I'll
be crying,
Yes I fear tomorrow I'll
be crying
Yes I fear tomorrow I'll
be crying
Between the iron gates
of fate,
The seeds of time were
sown,
And watered by the deeds
of those
Who know and who are
known;
Knowledge is a deadly
friend
If no one sets the rules
The fate of all mankind
I see
Is in the hands of fools
Như
những phím đàn piano đen trắng xen lẫn với nhau, bài hát nối tiếp trong album
lại tiếp tục sắc màu ảm đạm, mặc dù được chơi trên nền nhạc ballad nhẹ nhàng và
sâu lắng với tiếng guitar của Fripp. Khác với những phá cách thông thường,
tiếng guitar trong Epitaph mang đậm
phong cách nhạc rock từ gốc nhạc blues. Quả thật, nếu Fripp muốn chơi, ông có
thể tạo ra được những đoạn nhạc cảm xúc không thua kém gì David Gilmour.
Thoáng
nghe qua, chúng ta có thể thấy đây là một bài hát về mối đe dọa của vũ khí hạt
nhân, cũng là một chủ đề thời sự nóng thời bấy giờ khi mà hai cường quốc trên
thế giới lúc này đang gằm ghè lẫn nhau và đe dọa cuộc sống của cả nhân loại,
qua những hình ảnh như: “every man is
torn apart”, “the sunlight brightly gleams”, “knowledge is a deadly friend” (công
thức vĩ đại E=mc2), và “the
fate of all mankind … is in the hands of fools” (chỉ với một nút bấm là
nhân loại bị xóa sổ). Những kẻ ngu ngốc ở đây lại là những kẻ có học thức và tư
duy, nhưng lại không được kiểm soát bởi nhân tính và đạo đức: “no one sets the rules”.
Nhưng
nếu để ý kỹ hơn một chút, thì bài hát này như là một lời tự sự của một người
đàn ông đang sống những phút cuối cùng của cuộc đời. Viết gì trên mộ của mình
đây để người đời nhớ tới mình? Ông ta lo lắng và sợ hãi cho kết cục của nhân
loại sau khi mình chết “I fear tomorrow
I’ll be crying”. Ông không tin loài người sẽ vượt qua được bản chất của
mình và thế giới sẽ không bị tận diệt. Để rồi cuối cùng ông viết: “Confusion is my epitaph” - tôi không
thể hiểu được loài người. Và “confusion” cũng
là lời mà “the late man” có nhắc tới
trong I talked to the wind.
Epitaph là bài hát kết nối giữa
hai mặt của album (băng thu âm thời trước được ghi trên hai mặt): mặt trước đại
diện cho thế giới tương lai và thực tại, trong khi mặt sau đại diện cho một thế
giới siêu nhiên và cổ đại với hai bài hát Moonchild
và The court of the Crimson King.
Moonchild
- Ước mơ là giả tạo
Moonchild
lại nối tiếp pattern của album khi mang một giai điệu hết sức nhẹ nhàng, mang
đậm chất dân ca châu Âu (folk song). Không có tiếng trống, cũng không guitar,
tất cả âm thanh là tiếng hát và tiếng Mellotron du dương, như một cuốn băng
quay chậm đưa người nghe vào một miền cổ tích xa xưa. Ở đó, có một cô bé đang
vui đùa trong không gian tĩnh mịch của màn đêm: Moonchild.
Nhưng
nếu nhìn kỹ ca từ, thì bài hát muốn viết về “moon”
hơn là “child”. Hình ảnh một cô
bé hồn nhiên rong chơi trong khu vườn huyền bí chính là hóa thân của mặt trăng.
Hãy để ý trăng tan ra trong sóng nước “Dancing
in the shallows of a river” hay xuyên qua những tán liễu ven bờ sông “Dreaming in the shadow of the willow”. Kể
cả “Gathering the flowers in a garden”
cũng có thể được hiểu là năng lượng của ánh trăng tác động tới chu kỳ phát
triển của hoa. Mặt trăng chính là một nguồn năng lượng cho sự sống, một phần
không thể thiếu của tự nhiên, nhưng nó cũng chỉ là hình ảnh phản chiếu của ánh
sáng mặt trời. Ánh trăng hơn nữa còn là đại diện cho nghệ thuật, sự sáng tạo và
ước mơ của loài người. Bài hát mô tả một thế giới huyễn tưởng được nuôi sống
bởi nguồn năng lượng đó. Không phân biệt, cũng không ép buộc, năng lượng của
mặt trăng ban phát cho mọi vật trong thiên nhiên một cách vô tư như cô bé ngây
thơ vậy. Cũng cần phải lưu ý rằng hình tượng “Moonchild” trong bài hát luôn đứng ngóng trông đến ngày mai, khi mà
ánh sáng thực sự của “The sun child” sẽ
tới, như một thực tế không thể tránh khỏi của tự nhiên.
Phần
đầu này của bài hát được đặt tên riêng là “The
dream”. Đó là tượng trưng cho ước mơ về một thế giới mà tự nhiên, nghệ
thuật và sự sáng tạo được làm chủ, được tự do phát triển mà không có sự kìm kẹp
của bất kỳ một nền văn minh hay xã hội nào. Nhưng ước mơ thì không có thật và
đó là lý do cho những khúc nhạc biến tấu trong phần sau của bài hát được đặt
tên là “The Illusion”. Những âm thanh
vang lên từ cách chơi ngẫu hứng của ban nhạc như một cách kéo người nghe từ
những mong ước viển vông để trở về với thực tại, từ màn đêm thanh vắng tĩnh
mịch về phía ánh sáng mặt trời. Những âm thanh tưởng chừng rời rạc và cứng nhắc
đó đại diện cho sự suy nghĩ, phân tích có phần nam tính “the sun”, đối ngược hẳn với sự bất thường, mềm mại nữ tính của cảm xúc
trong phần đầu của bài hát “the moon”.
Sự đối lập này như hai thái cực trong hoạt động nhận thức của não bộ con người
vậy: vậy lý trí hay là tình cảm sẽ chiến thắng đây?
The
court of the Crimson King - Crimson King, ông là ai?
Trước
hết, để hiểu được bài hát này, ta phải trả lời được câu hỏi: Crimson King là ai? Đây là một từ mà dân
gian sử dụng để chỉ những bạo chúa gây ra chiến tranh đẫm máu trong triều đại
của mình (crimson). Nhưng Crimson King ở đây không phải là một bạo
chúa bất kỳ nào, mà được lấy hình tượng thực tế từ vua Frederick II của xứ
Sicily (Ý) và Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh. Mất cả cha lẫn mẹ từ rất
sớm, vua Frederick II lớn lên trong mâu thuẫn chính trị sâu sắc tại xứ Sicily
do Giáo hoàng Innocent III tạm thời nắm quyền. Ông đã phải tự dạy mình học,
sống bằng sự cưu mang của những người nghèo ngoài phố cho đến năm 14 tuổi mới
chính thức được thừa kế ngai vị vua xứ Sicily. Năm 26 tuổi, ông được trao thân
phận Hoàng đế của Đế chế La Mã, với lời tuyên thệ phải chia tách Sicily ra khỏi
đế chế La Mã để tránh vây hãm giáo hoàng và phải tiến hành Thập tự chinh để
giành lại Jerusalem từ tay đạo Hồi.
Hoàng đế Frederick II của Đế quốc La Mã Thần thánh |
Dưới
triều đại của mình, kẻ thù coi ông là một bạo chúa khát máu (Crimson King), đưa cỗ máy chiến tranh đi
chinh phạt từ Châu Âu tới tận Trung Đông dưới ngọn cờ Thập tự chinh. Ông cũng
nhiều lần phê phán đạo thiên chúa và đối đầu quân sự với chính giáo hoàng, đến
mức giáo hoàng Gregory IX phải gọi ông là Antichrist (hóa thân của quỷ Satan)
và được đưa vào địa ngục tầng thứ 6 của Dante dành cho những kẻ dị giáo. Điều
này lại khiến ta nhớ đến tới đoạn hội thoại của “the straight man” và “the
late man” hay giữa Chúa và Satan trong I
talk to the wind.
Thế
nhưng, có một vị vua Frederick II khác dưới con mắt của những người phụng sự
ông. Nói được tới 6 ngôn ngữ khác nhau, kể cả tiếng Ả Rập của kẻ thù, vua Frederick
là người bảo trợ vĩ đại cho khoa học và nghệ thuật. Những đóng góp của ông
trong lĩnh vực văn học đã góp phần lớn xây dựng ra ngôn ngữ Ý ngày nay. Ông
cũng là người yêu thiên nhiên và say mê nghiên cứu khoa học, đến mức đã tự mình
viết ra một bộ sách nghiên cứu về đời sống của các động vật. Nhưng sự tò mò
cũng khiến ông thực hiện nhiều thí nghiệm trên người mà kết quả thường là cái
chết cho vật thí nghiệm. Trong một thời điểm mà con người khao khát tri thức về
thế giới, khi mà người ta còn phải nhờ đến sự thông thái của các nhà tiên tri
và hiền triết, Frederick đã viết: “Mục đích của chúng ta là phải tìm hiểu mọi
thứ từ bản chất của chúng”. Bằng tài năng và sự hiểu biết của mình, ông được sử
sách đánh giá là người trị vì sáng suốt và tân tiến, “một kỳ quan của thế
giới”. Trong những buổi chầu của mình (court),
Frederick cho phép sự tham gia của cả người Ả Rập và Do Thái, để chia sẻ văn
hóa của các nền văn minh, tìm hiểu về vũ trụ, vật lý và toán học, từ đó thành
lập trường đại học đầu tiên của thế giới vào năm 1224. Phải nhớ rằng trong thời
đại của vua Frederick, văn học và nghệ thuật là thứ bị cấm cản, chỉ những gì
tuân theo lời dạy của giáo hoàng mới được cho phép truyền bá. Quả là “knowledge is a deadly friend”, khi những
thiên tài như Galileo phải chết trong bệnh tật và mù lòa, giam lỏng tại nhà và
cô lập với thế giới bên ngoài chỉ vì đã chứng minh được một sự thật: Trái Đất
quay quanh Mặt Trời.
Một buổi chầu của vua Frederick II |
Frederick
II là sự hòa hợp của văn hóa phương Đông và phương Tây, cũng là sự hòa quyện
của quá khứ với tương lại. Sự tàn bạo trong chiến tranh của ông được biểu tượng
như mặt trời “the sun”, còn con người
đam mê nghệ thuật và khám phá khoa học được đại diện bởi mặt trăng “moonchild”. Qua những lời hát của Peter
Sinfield, vua Frederick II được tự sự về cuộc đời và thời đại của mình, nhận
định về tương lai của loài người qua góc độ của một con người vĩ đại ở thế kỷ
13.
The rusted chains of
prison moons
Are shattered by the sun
I walk a road, horizons
change
The tournament's begun
“The illusion” đã phá vỡ ánh trăng của Moonchild để đưa người nghe tới buổi
chầu cuối cùng của vua Frederick II - The
court of the crimson king. Bài hát được mở đầu bằng chiến thắng của ánh mặt
trời, cũng như cuộc đời vị vua từ đứa bé ngây thơ với đam mê nghệ thuật và khoa
học, lớn lên từ nghèo khó dưới sự khống chế của giáo hoàng, trở thành hoàng đế,
thành mặt trời rực lửa của đế chế La Mã Thần thánh - Crimson King. Lạ thay, đây chính là những lời mà các giáo hoàng hay
nói với các vị vua: “cũng như mặt trăng lấy ánh sáng từ mặt trời … quyền lực
của hoàng gia đến từ sự ban phát của giáo xứ”. Rõ ràng, vua Frederick II đã phá
vỡ tuyên ngôn này và đưa mình trở thành mặt trời, là nguồn sức mạnh vô song mà
không cần phải nhận bất kỳ sự ban phát nào từ giáo hoàng. Đoạn đầu của bài hát
dường như muốn nói tới những thay đổi đáng kể từ nhận thức và hành động của ông
“horizon change”, từ dưới sự giám sát
của giáo hoàng, tới đứng lên nắm quân đội và tuyên chiến với giáo hoàng “The tournament’s begun” (tournament trong
thời trung cổ là một trận đấu giữa hai kỵ sỹ).
The purple piper plays
his tune,
The choir softly sing;
Three lullabies in an
ancient tongue,
For the court of the
crimson king
Buổi
chầu của vua Frederick II là nơi quy tụ của nhiều nền văn hóa, nhiều đại diện
của các tầng lớp khác nhau, từ những nhà tiên tri, nghệ sỹ tới các nhà nghiên
cứu khoa học. Cũng vì thế, The court of
the Crimson King cũng chứa đầy những màu sắc và âm thanh đa dạng, hòa nhập
với nhau qua ca từ của bài hát. Màu sắc đầu tiên của bài hát là màu tím, đại
diện cho sự cao quý của hoàng tộc. “The
purple piper” khiến người ta nhớ đến hình tượng người thổi sáo trong truyện
cổ tích - the pied piper. Truyện kể
rằng, người thổi sáo được một làng nọ thuê để tiêu diệt lũ chuột gây dịch bệnh,
nhưng sau khi đã xong việc thì anh ta lại bị ăn quỵt. Tức giận vì sự thất hứa
và tham lam của ngôi làng, một ngày nọ, khi người lớn trong làng đang đi nhà
thờ, anh ta thổi sáo dụ lũ trẻ trong làng và dìm chết chúng dưới bờ sông. Cũng
giống như người thổi sáo trong truyện cổ tích, vua Frederick II cũng đã ra trận
dưới ngọn cờ Thập tự chinh, để được trả lại là sự kìm kẹp và áp bức, để rồi
chính ông lại dẫn quân giao tranh với giáo hoàng. “Three lullabies in an ancient tongue” là muốn nhắc đến một cuốn
sách phản giáo được đồn đại là do chính vua Frederick II viết, mang tên “About the three Imposers”. Trong đó, ba
kẻ lừa gạt được nhắc tới là Moses, Jesus và Muhammad, ba người sáng lập ra đạo Do
Thái, đạo Hồi và đạo Thiên chúa. Rõ ràng tác giả của cuốn sách này không tin
vào sự tồn tại của một Đấng cứu thế nào cả.
The keeper of the city
keys
Put shutters on the
dreams
I wait outside the
pilgrim's door
With insufficient
schemes
Giấc
mơ thống trị đế quốc La mã và loại bỏ vai trò của giáo hoàng của vua Frederick
II (the dreams) đã nhiều lần bị phá
hoại (shutters) dù ông đã dẫn quân
bao vây thành Rome (the city) tới hai
lần mà vẫn bất thành vì những mưu kế khôn ngoan của giáo hoàng (the keeper of the city keys). Ông cũng
đã ngỏ ý liên minh với một nhóm người hành hương Dominicans (the pilgrim) để cùng chống lại giáo
hoàng nhưng không được chấp nhận (insufficient
schemes).
The black queen chants
The funeral march,
The cracked brass bells
will ring;
To summon back the fire
witch
To the court of the
crimson king
Hình
ảnh “the black queen” là cách nhà vua
nhắn nhủ cuộc đời của mình qua câu chuyện của nàng Persephone, vợ của thần địa
ngục trong thần thoại Hy Lạp. Truyện kể rằng, nàng khi đang hái hoa cùng với
những thần rừng thì bị Hades bắt cóc về làm vợ, dưới sự sắp đặt trước của Zeus
với Hades: “Gathering the flowers in a
garden”. Nếu chỉ sinh ra là một đứa trẻ bình thường, được sống với niềm đam
mê khoa học và nghệ thuật như một Moonchild
trong sáng, có lẽ cuộc đời của vua Frederick II đã khác rất nhiều. Thế nhưng, chính
vương quyền và tôn giáo đã đưa đẩy ông lên tới quyền lực tối cao và đưa quân đi
trinh phạt khắp các bờ cõi “funeral
march”. “Brass bells” là công cụ
các phù thủy thường dùng để triệu hồi các thần thánh và “the fire witch” được triệu hồi tới được cho là Michael Scot - một
nhà khoa học và bề tôi thân cận của vua Frederick II. Scot nhờ những nghiên cứu
về hóa học và vật lý của mình, được người đời tương truyền là phù thủy (thời
xưa witch không phân biệt là đàn ông hay phụ nữ). Sở dĩ cái chuông đồng bị vỡ “cracked” và Michael Scot được triệu hồi
trở lại “summon back” vì ông đã chết
trước vua Frederick II. Ở một buổi chầu của vua Frederick, nhà vua luôn đón
chào bất kỳ ai có tài năng, dù cho người đời có đồn đại thế nào đi chẳng nữa.
The gardener plants an
evergreen
Whilst trampling on a
flower
I chase the wind of a
prism ship
To taste the sweet and
sour
Đoạn
nhạc tiếp theo như một phép so sánh cách thức sử dụng quyền lực của giáo hội
với vua Frederick II. “The gardener”
đại diện cho giáo hội vì muốn trồng một cây thường xanh “an evergreen” - biểu tượng của quyền lực tồn tại vĩnh viễn và tối
thượng, đã dẫm đạp lên “a flower” là
vẻ đẹp nguyên bản và tính thiện lành của đạo Thiên chúa. Ở thời kỳ của vua
Frederick II, có một giáo phái Thiên chúa chân tu khởi xướng bởi Thánh Francis vùng
Assisi (Ý) được ghi lại trong sách “The
little flower”. Đó là những người buông bỏ tất cả những gì mình sở hữu để
một lòng theo Chúa giúp đỡ những người nghèo. Vua Frederick cho rằng giáo hội
đã quá ham mê đến quyền lực và thống trị mà quên đi gốc gác của mình là chính
từ những người nghèo khổ mà ra. Còn vua Frederick thì sao, với quyền lực của
mình, ông thỏa sức theo đuổi những đam mê, tìm hiểu về tự nhiên từ bản chất của
chúng “taste the sweet and sour”. “Prism” là lăng kính, vật mà khi ánh sáng
thông thường đi qua sẽ được phân tách, tán xạ ra nhiều mảng màu khác nhau, cũng
như vị vua không ngừng khát khao tìm hiểu về bản chất của thế giới và nhân loại.
The pattern juggler
lifts his hand;
The orchestra begin
As slowly turns the
grinding wheel
In the court of the
crimson king
Cuộc
đời con người dù có vĩ đại đến đâu thì cũng phải có lúc kết thúc như mặt trời
tỏa sáng đến mấy cũng có lúc phải khuất bóng ở chân núi phía xa. Những câu hát
trên kể lại những năm tháng cuối đời của vua Frederick II. Những cuộc chiến
tranh diễn ra liên miên với các giáo hoàng mà mãi không có kết cục đã làm cho
ông mệt mỏi và chán nản. Ông đã phải đánh đổi biết bao nhiêu xương máu và của
cải mà cuối cùng vẫn bị dồn đến phía chân tường, thậm chí đến chính những đứa con
trai của mình cũng thất trận và chịu án tử hình công khai. Vua Frederick cảm
thấy mình như đồ vật bị số phận tung hứng “the
pattern juggler”. Quả thật, không ai có thể chạy trốn được những vòng quay
của số phận nghiệt ngã“the grinding
wheel”. Số phận đã cho ông tất cả và rồi cũng lấy hết mọi thứ khi ông sắp
qua đời.
On soft gray mornings
widows cry
The wise men share a
joke;
I run to grasp divining
signs
To satisfy the hoax
Những
ngày cuối cùng của vua Frederick II là những chuỗi ngày mệt mỏi trên giường
bệnh “gray mornings” vì đau ốm và
cũng là xót xa khi nghe tin quân đội của mình liên tục bại trận “widows cry”. Nhà vua đã bị hội đồng giáo
mục Lyons buộc tội dị giáo do: (1) phủ nhận quyền lực của giáo hoàng “keeper of the city keys”; (2) báng bổ
khi cho rằng Jesus Christ, Moses và Muhammad “the wise men” đã đánh lừa cả nhân loại khi tuyên bố Chúa được sinh
ra từ một trinh nữ “the hoax”; và (3)
tuyên bố rằng không thể tin bất kỳ điều gì “divining
signs” mà giáo hội nói nếu nó không thể chứng minh được từ thực tế. Đến
cuối đời, vua Frederick II cuối cùng đã bị ép buộc phải tuân theo lý luận của
giáo hội bằng vũ lực “satisfy the hoax”.
The yellow jester does
not play
But gentle pulls the
strings
And smiles as the
puppets dance
In the court of the
crimson king
Vua
Frederick II qua đời trên giường bệnh vào năm 1250. Đúng như những lời tiên tri
về cái chết của ông, ông sẽ qua đời trước một cánh cổng sắt “between the iron gates of fate “. Giáo
hoàng khi đó vui mừng tuyên bố kẻ thù của giáo hội đã được loại bỏ, thế giới đã
bớt đi một bạo chúa và một đứa con của quỷ Satan. Số phận thật như một trò đùa
“the yellow jester”, đến cuối cùng
giáo hoàng cũng chẳng cần phải làm gì cả “does
not play”, mà thời gian cũng tự đánh bại Crimson King. Vậy là giờ đây còn
thế lực nào dám đứng lên đối chọi với quyền lực của giáo hội “no one sets the rules”. Kể từ sau khi
vua Frederick II qua đời thì dòng tộc của ông cũng chấm dứt, cùng với đế chế La
Mã cũng suy yếu dần đến lụn bại – “The
fate of all mankind I see is in the hands of fools”.
Du
hành ngược thời gian với Crimson King
Khi
chúng ta đã hiểu Crimson King là ai, chúng ta có thể quay ngược album và nghe
lại từ dưới lên, những câu hát tưởng như vô nghĩa và không có liên hệ gì với
nhau bỗng chốc dễ hiểu hơn rất nhiếu. Album “In the Court of the Crimson King” được viết ngược chiều thời gian,
từ tương lai của chúng ta hay của ban nhạc King Crimson (21st century man) ở thế kỷ 21, tới thời điểm hiện tại (I talk to the wind và Epitaph), trở về tới quá khứ của thời
Trung cổ (Moonchild và The court of the crimson king). Ngoại
trừ bài hát đầu tiên, tất cả các bài hát còn lại đều là góc nhìn thứ nhất, là
lời kể của chính vua Frederick II qua những câu hát của Peter Sinfield. Cái
chết của nhà vua chỉ là cái chết vật
lý của một nhân vật lịch sử. Vua Frederick II chết nhưng linh hồn của ông vẫn
còn tiếp tục tồn tại qua lời hát của Sinfield, bất chấp mọi biến đổi của thời
đại. Trong Moonchild, đó là khát khao
cháy bỏng của ông với nghệ thuật và khoa học “The dream” khi đang vật lộn với bệnh tật. Đó là khi linh hồn của
ông trở về với bản thể hồn nhiên và tinh túy nhất.
Epitaph là bài hát ở chính giữa
album. Nó như một tấm gương phản chiếu hai thái cực, chia tách cả album ra làm
hai phần với hai bài hát đầu tiên về thế giới tương lai và thực tại, còn hai
bài phía sau nằm sâu trong miền quá khứ và siêu thực. Epitaph còn có thể coi là hình ảnh phản chiếu ngược của album khi
nó đi từ chiều quá khứ “The prophet
wrote”, tới hiện tại “I crawl a
cracked and broken path”, và tương lai “Tomorrow
I’ll be crying”. Nếu qua góc nhìn của vua Frederick II, thì Epitaph chính là lúc linh hồn của nhà
vua thoát ra khỏi hầm mộ trong quá khứ để đến với tương lai xã hội loài người,
vượt qua mọi rào cản của thời gian. Linh hồn ấy vẫn đang dằn vặt với quá khứ
của mình, cái thời mà ông là một hoàng đế vĩ đại “sunlight” mang cỗ máy chiến tranh đi trinh phạt “the instrument of death”. Linh hồn ấy
cũng dằn vặt giữa những giấc mơ - Moonchild
và ác mộng - The court of the crimson
king. Quả thực, không phải ngẫu nhiên khi đoạn đầu của bài hát được lặp lại sau tiếng nổ lớn đại diện cho sự chuyển mình và tái sinh của nhân vật chính. Đó là sự lặp lại của quá khứ, về những cuộc tàn sát đẫm máu trong lịch sử rồi sẽ còn xuất hiện trong tương lai của loài người.
Đến
I talk to the wind, linh hồn của vua
Frederick II đã đạt vào trạng thái siêu thực. Trải qua hàng trăm năm lịch sử để
tới với thời hiện đại, ông đã chứng kiến bản chất của nhân loại vẫn không hề
thay đổi. Dù xã hội loài người ngày càng tiến bộ, nhưng vẫn chẳng có ai “set the rules”, những thế lực trên thế
giới vẫn cạnh tranh nhau xem ai phát triển ra nhiều vũ khí tân tiến nhất để đe
dọa lẫn nhau. Những gì vua Frederick II đã nói cũng như những cơn gió bay
thoảng qua mà nhân loại không hề lắng nghe. Để đến cuối cùng là một tương lai
tăm tối chờ đón loài người ở 21st
Century Man. Có lẽ mỗi con người chúng ta ở thế kỷ 21 đều được "thừa kế" một chút gì đó trong tâm tưởng từ nhà vua Federick II, cũng là thứ "vô thức tập thể" mà nhà Tâm lý học Carl Jung đã phát hiện ra.
Vậy
là album In the Court of the Crimson King
là cách mà ban nhạc tưởng nhớ đến một trí tuệ vĩ đại ở thế kỷ 13, trí tuệ của
một vị hoàng đế với tầm nhìn vượt thời đại. Và chính cái cách sắp xếp bài hát trong
album này cũng là một cách mà ban nhạc thách thức và đi ngược lại với thời gian và thời đại. In the court of the Crimson King là album đầu tiên của King
Crimson thể hiện cái khát khao khẳng định nghệ thuật cháy bỏng của ban nhạc. Vậy
thì cái tên King Crimson, lấy cảm hứng từ một nhân vật vĩ đại như thế, cũng khá
xứng đáng với những kẻ muốn thách thức thời đại.