Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Những quái vật Metal của Judas Priest


Những quái vật Metal của Judas Priest


Judas Priest - the Metal stereotypes

Bạn thường liên tưởng đến điều gì khi người ta nhắc đến nhạc metal?

  • ·       Những bộ đồ da bóng lộn với gai nhọn tua tủa?
  • ·       Những gã tóc dài hung hãn xăm trổ đầy mình?
  • ·       Những chiếc xe phân khối lớn với tiếng động cơ gào rú?
  • ·       Giọng hát truyền lửa xen lẫn với những tiếng thét đinh tai?
  • ·       Những đoạn riff mạnh mẽ và solo battle từ cặp song tấu guitar?
  • ·       Những nhịp dồn trống bass nhanh và mạnh như súng liên thanh?


Và bạn có ngạc nhiên không khi mà tất cả những stereotypes của metal đó đều bắt nguồn từ duy nhất và chỉ một ban nhạc: Judas Priest. Luôn là những người định hình ra trào lưu, hình ảnh và âm nhạc của Judas Priest có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng tới sự phát triển của dòng nhạc metal, từ trào lưu New wave of Bristish heavy metal, tới truyền cảm hứng cho sự trỗi dậy của Big 4 làng nhạc metal nước Mỹ. Đóng góp những sáng tạo không ngừng nghỉ của mình cho metal, Judas Priest đã góp phần đưa thể loại âm nhạc này từ dưới underground ở các hộp đêm bình dân lên tới mainstream trước các sân vận động lớn với hàng vạn khán giả.

Nếu được hỏi ai đã tạo ra nhạc metal, thì chắc câu trả lời sẽ là Black Sabbath, mặc dù những đoạn riff hay âm hưởng tăm tối bằng thủ thuật hạ tông đàn của heavy metal đã được nhen nhóm từ những ban nhạc rock ra đời trước đó vào cuối thập niên 70. Thế nhưng có thể nói rằng, Black Sabbath là người thợ rèn đã tạo ra cái khuôn của cây kiếm metal, còn Judas Priest đã định hình và mài sắc metal đến hình dạng như chúng ta biết ngày nay.

Ảnh hưởng quá mạnh mẽ của phong cách “thời trang” của Judas Priest đến làng nhạc metal cũng có một mặt trái là làm người ta “quên” mất những đóng góp to lớn của họ về mặt âm nhạc. Nếu bạn chưa từng nghe Judas Priest bao giờ, có lẽ bạn sẽ thấy các bài hát của họ thật chẳng có gì đặc biệt, “ban nhạc metal nào chẳng chơi như thế”. Và mấu chốt chính là ở điểm đó, đã có quá nhiều ban nhạc học hỏi từ cách chơi của Judas Priest đến nỗi nhạc của họ trở thành chuẩn mực. Không đóng góp theo kiểu sáng tạo ra những thứ đầu tiên, Judas Priest là những người đi đầu trong việc kết hợp các yếu tố tinh túy nhất của các thể loại nhạc đương thời để tạo nên một thực thể hoàn chỉnh. Cũng giống như cách đóng góp của Led Zeppelin cho nền âm nhạc thế giới qua việc phối trộn hoàn hảo giữa rock và blues, Judas Priest đã kết hợp rất tài tình chất hard rock của Deep Purple với phong cách metal vừa được ban nhạc cùng thời Black Sabbath tạo ra.

Judas Priest cũng là ban nhạc đầu tiên đưa song tấu guitar lên đúng vị trí của nó. Việc hai guitar cùng chơi đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhạc rock, nhưng các ban nhạc trước đây vốn chỉ dùng nó như một cách câu khách hơn là vì giá trị âm nhạc. Với cặp song tấu Glenn Tipton và K. K. Downing, cùng nhau chơi riff và cũng cùng đánh solo trong một bài hát, Judas Priest đã khiến việc sử dụng song tấu guitar trở thành một phần không thể thiếu nếu một ban nhạc muốn thực sự chơi heavy metal. Tipton và Downing là những tay guitarist có trình độ rất giỏi, nhưng thật khập khiễng nếu xếp họ ngang hàng với những tay đàn huyền thoại như Jimmy Hendrix, Jimmy Page, hay Ritchie Blackmoore. Thế nhưng, sự kết hợp giữa hai tay guitar này mới thực sự là điều đáng nói và theo ý kiến cá nhân của tôi thì song tấu này xứng đáng là bộ đôi guitar hay nhất mọi thời đại. Nếu Tipton đánh thiên về kỹ thuật, như một tay đàn classical cần mẫn tấu lên những giai điệu nuột nà, thì K.K. Downing đại diện cho sự hỗn loạn và hoang dã khi liên tục tạo ra những âm thanh khó nghe từ cây đàn điện một cách đầy ngẫu hứng. Như đại diện cho nước và lửa, khi hai tay guitarist này cùng kết hợp với nhau trong các bài hát của Judas Priest, bỗng chốc âm nhạc của họ đạt đến một sự cân bằng tối thượng. Đó chính là mấu chốt cho sự hòa nhập hoàn hảo của chất nhạc hard rock với cách chơi thiên về blues của Tipton và metal với những âm thanh “wham wham” nặng distortion của Downing.

Cũng không thể không nhắc đến chuẩn mực về một metal vocalist mà Rob Halford của Judas Priest đã tạo ra. Sở hữu một chất giọng trời phú với quãng hát rộng hơn người thường, Halford chính là Freddie Mercury phiên bản metal. Giọng hát của Halford như một nhạc cụ bổ sung cho ban nhạc vậy, có lúc trầm và nặng như tiếng guitar bass, nhưng có những lúc giọng ca opera của ông lại vươn tới những note cao như tiếng rít của cây guitar điện. Quả thực, cách hát của Halford đã có tầm ảnh hưởng cực lớn đến hầu hết tất cả ban nhạc sau này. Họ đều cố hát giống ông, nhưng cuối cùng giọng hát của Halford vẫn chỉ là duy nhất.

Đề tài trong các nhạc phẩm của Judas Priest cũng là chuẩn mực thông thường của các ban nhạc hard rock và metal, xoay quanh các vấn đề như tình yêu, tình dục, party, ma túy hay chiến tranh. Đại khái là những thứ không quá cao siêu. Nhưng có một đề tài đặc biệt cũng đã theo suốt trong sự nghiệp âm nhạc của ban nhạc này, đó là những quái vật metal (metal monsters). Nếu đã chơi metal thì tất nhiên nội dung của bài hát cũng phải bạo lực một cách tương ứng. Thế nhưng nếu sử dụng góc nhìn thứ nhất để nói về các ham muốn giết người hay tiêu diệt nhân loại thì có phần hơi quá cực đoan. Một cách đơn giản để tránh khỏi vấn đề này là viết bài hát về suy nghĩ của các quái vật trong tưởng tượng hay các nhân vật tàn ác trong lịch sử. Và Judas Priest đã sử dụng phương pháp này để thể hiện được tính chất aggressive tương ứng với thứ âm nhạc mà họ chơi. Cách này cũng được nhiều ban nhạc sau này sử dụng triệt để để tránh bị ảnh hưởng tới các vụ kiện tụng, trong đó điển hình nhất có lẽ là Slayer, một ban nhạc nổi tiếng vì những lời hát cực đoan và gây tranh cãi. Cũng thật kỳ lạ thay là những quái vật metal ấy đã vô tình trở thành một phần gắn bó với từng bước đi trong sự nghiệp vinh quang của ban nhạc và các bài hát về chủ đề ấy đều thể hiện rõ ràng sự phát triển không ngừng của âm nhạc Judas Priest nói riêng và xu hướng nhạc metal thế giới nói chung.

The Ripper - Sad Wings of Destiny

Những khu nhà ở cho người lao động nghèo khó ở ngoại ô thành phố công nghiệp Birmingham, Anh Quốc lại là nơi sản sinh ra những thành viên của hai ban nhạc có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nhạc metal: Judas Priest và Black Sabbath. Họ là những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí nóng nực từ những nhà máy công nghiệp hoạt động không ngừng nghỉ suốt ngày đêm, bao bọc cả thành phố bằng một làn sương mù âm u và dày đặc kim loại nặng. Phục vụ cho những nhà máy đó là hàng vạn công nhân lao động nghèo khó, cả đời chỉ biết đến ca kíp suốt ngày đêm, bỏ mặc lũ trẻ mà chẳng có ai trông coi. Những âm thanh đinh tai nhức óc từ những phân xưởng ấy cứ bám dính lấy cuộc sống của những cư dân trong thành phố. Nào là tiếng máy dập ầm ầm từng nhịp mạnh đến rung cả tường trường học như sự phối hợp của tiếng trống và tiếng guitar bass vậy, nào là tiếng máy hàn, máy cắt xèo xèo qua kim loại như tiếng distortion của những cây guitar điện, nào là tiếng rít của những thanh sắt va chạm vào nhau như tiếng hét đinh tai nhức óc. Cứ thế, heavy metal đã ăn sâu vào máu thịt của cả một thế hệ, để rồi sau này chính những âm thanh, cùng bầu không khí u ám ấy, dù vô tình hay cố ý, đã xuất hiện trở lại trong các sáng tác của cả hai ban nhạc.

Thành phố Birmingham những năm 1960

Nếu như Black Sabbath thành công rực rỡ ngay ở album đầu tay, thì Judas Priest có một khởi đầu vất vả hơn rất nhiều. Họ phải mất 10 năm tìm kiếm hướng đi cho âm nhạc của mình, thử sức ở nhiều thể loại khác nhau từ hard rock, psychedelic rock, đến heavy metal tempo chậm theo phong cách của Black Sabbath. Những năm tháng đó là những năm tháng khó khăn nhất trong sự nghiệp của ban nhạc, có những lúc họ không còn chút tiền nào. Họ phải dành dụm từng chút một, ăn mỗi ngày chỉ một bữa và làm thêm nhiều công việc lao động chân tay khác để có tiền nuôi ước mơ âm nhạc của mình. Thế nhưng, bằng tình yêu với metal và niềm tin vào khả năng của bản thân, họ vẫn không bỏ cuộc, vẫn nỗ lực thay đổi phong cách âm nhạc và tự hoàn thiện mình. Sau album đầu tay Rocka Rolla mang phong cách hard rock thất bại nặng nề, Judas Priest buộc phải thay đổi phong cách trong album thứ hai Sad Wings of Destiny. Trong khi, phân nửa các bài hát trong album này bị ảnh hưởng bởi phong cách của Deep Purple và phần còn lại là bởi Black Sabbath, thì đã xuất hiện một bài hát duy nhất mang dấu ấn Judas Priest của tương lai: The Ripper.


Jack “The Ripper” là một kẻ sát nhân máu lạnh ở vùng Whitechaple, một khu ngoại ô nghèo khó ở thủ đô London. Nổi tiếng vì không bao giờ bị bắt, cùng với cách thức giết người dã man, hắn đã ra tay gây ra liên tiếp năm vụ giết người trong vòng vài tháng, reo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân London. The Ripper được cho là ẩn mình trong bóng tối chờ cơ hội ra tay “I smile when I'm sneaking through shadows by the wall”. Hắn sẽ ập vào ra tay cắt cổ nạn nhân nhưng cho con mồi đủ thời gian để mà sợ hãi “You'll soon shake with fear, never knowing if I'm near”. Sau khi giết hại con mồi, The Ripper sẽ mổ bụng và lấy đi nội tạng của nạn nhân một cách rất hoàn hảo khiến cảnh sát nghi ngờ kẻ giết người này có kỹ năng giải phẫu chuyên nghiệp. Một thời gian sau, hắn gửi các bộ phận nội tạng được bảo quản cẩn thận đến cảnh sát, kèm theo những bức thư thách thức chính quyền. Sử dụng hình ảnh của một quái vật “devil in disguise”, Judas Priest có thể thỏa sức chơi thứ âm nhạc tăm tối nhất có thể nghĩ ra. Phô diễn hoàn hảo sự kết hợp của điệu riff mạnh mẽ với nhiều âm câm nhằm mô phỏng lại cảm xúc của tên giết người đang rình rập con mồi nhưng vẫn giữ được những âm điệu của nhạc blues, cùng với đó là giọng ca lần đầu tiên được bung ra hết sức của Halford như tiếng thét của những nạn nhân xấu số, Judas Priest cuối cùng đã tìm ra công thức phù hợp cho âm nhạc của mình. Chính cái bầu không khí tối tăm và bạo lực ấy đã truyền cảm hứng cho trào lưu metal những năm 1980 tại Mỹ với những cái tên như Slayer, Metallica hay Megadeth.

Sinner - Sin after Sin

Với album thứ ba Sin after Sin, âm nhạc của Judas Priest lại tiếp tục “tiến hóa”, rũ bỏ dần gốc nhạc blues để theo đuổi những âm thanh mạnh mẽ hơn nữa. Và không có minh chứng nào rõ hơn cho sự phát triển này là bài hát đầu tiên của album: Sinner. Bài hát viết về hình tượng một kẻ phản Chúa cưỡi xe phân khối lớn xuống trần gian để hủy diệt loài người: “The devil rides beside him. The devil is his god”. Đó là những lời cổ xúy của Judas Priest rằng thà chết vì rượu và ma túy còn hơn là chết dưới tay của the Sinner: “Sacrifice to vice or die by the hand of the Sinner!” Đằng nào ta chả phải chết, hãy phạm đủ thứ tội lỗi trên đời này đi vì chẳng có Đấng cứu thế nào đâu mà phải sợ hãi vớ vẩn. Với những hình ảnh như “See the mountains darken yonder. Black sun rising, time is running out” hay “Can't you hear their souls calling out in their plight. Can't you see their blood is boiling setting them alight”, Judas Priest hù dọa người nghe về một ngày tận thế mà loài người phải hứng chịu, hệt những kẻ truyền đạo suốt ngày rao giảng ở các nhà thờ. Nhưng đây là những tu sĩ của Judas chứ không phải của Jesus, họ muốn người nghe phải hiểu rằng nếu ngày tận thế có đến thì sẽ chẳng có ai rảnh đến cứu rỗi những kẻ sùng đạo đâu.


Ngay trong bài hát đầu tiên của album này, điệu riff 16 notes kinh điển do Deep Purple sáng tạo ra đã được Judas Priest đưa vào trở thành công thức cơ bản cho những đoạn nhạc metal hiện đại. Nếu như điệu riff ấy xuất hiện trong nhạc của Deep Purple một cách thi thoảng, thì Judas Priest đã sử dụng nó triệt để trong từng bài hát của mình. Kết hợp với điệu riff ấy, Judas Priest tiên phong trong việc sử dụng điệu bass 16 notes song song với nhịp trống double kicks. Với việc ứng dụng cách chơi rất tốn thể lực này, tiết tấu và nhịp độ của bài hát được đẩy lên rất cao, giúp tăng tính aggressive trong âm nhạc lên gấp nhiều lần. Sinner cũng giới thiệu lần đầu tiên cho công chúng một trận solo battle của hai guitarist là như thế nào. Đây là một tác phẩm thể hiện rõ rệt nhất hai phong cách chơi nhạc khắc nhau như nước với lửa của hai lead guitarist của ban nhạc. Nếu như Tipton chơi solo một cách hoàn hảo và tròn trịa như trong sách giáo khoa, thì K. K. Downing đã lần đầu tiên cho người nghe biết thế nào là một guitarist đánh metal. Ra sức tạo ra những âm thanh chói tai và hỗn loạn với mức distortion cao, Downing chơi ngẫu hứng một cách hoang dại như Jimmy Page “on steroid” vậy. Nhưng có lẽ với cách chơi của mình, Led Zeppelin sẽ không thể hỗ trợ được cho Jimmy Page chơi một cách hoang dã như K. K. Downing được thỏa sức chơi trong Sinner.

Exciter - Stained Class

Racing' cross the heavens
Straight into the dawn
Looking like a comet
Slicing through the morn
Scorching the horizon
Blazing to the land
Now he's here amongst us
The age of fire's at hand


Nhanh, gọn, nhưng không hề nhẹ. Đó là những câu hát đầu tiên của một album đã định hình ra metal hiện đại và phất ngọn cờ đầu đưa làn sóng metal lần thứ hai nhấn chìm cả thế giới - The new wave of British heavy metal - với những cái tên lừng danh như Iron Maiden, Motorhead, hay Saxon. Âm nhạc của Judas Priest đã rất tuyệt vời và giờ họ chỉ cần cho thêm một chút gia vị là đã có một món ăn hoàn hảo. Đó là những câu hát ngắn gọn, đó là một chút aggressive trong lời hát và thế là đủ. Ở vào thời điểm đó, không có ban nhạc nào chơi như Judas Priest, không có thứ gì nặng hơn nhạc Judas Priest, không ban nhạc nào ăn mặc ngầu như Judas Priest. Judas Priest đã trở thành định nghĩa của metal. Exciter là cái gì vậy? Một con quái vật cũng từ thiên đàng rơi xuống và bùng cháy như sao chổi, truyền lửa cho cả nhân loại. “The age of fire’s at hand” - thời đại của metal đã trở lại với Exciter là Judas Priest. Họ đã cứu rỗi cho metal “Stand by for exciter. Salvation is his task.” Nên nhớ Judas Priest là lứa đầu tiên của dòng nhạc metal, một dòng nhạc đang chết dần chết mòn với sự trỗi dậy của nhạc punk, thứ nhạc cắt gọt và đơn giản hóa các phần instrumental của lũ thanh niên edgy chán đời. Trong khi Deep Purple đã tan rã, Led Zeppelin cũng gần như vậy và Black Sabbath đang chuẩn bị chia tay Ozzy, Stained Class với Exciter chính là ngón tay thối của metal chĩa về phía nhạc punk – “Fall to your knees and repent if you please”.

The Hellion - Screaming for Vengeance

Sau Stained Class, Judas Priest cho ra đời hàng loạt album tiếp theo với mục tiêu thương mại hóa và dần đánh mất đi bản sắc của mình, lần lượt là Killing Machine, British Steel đỉnh điểm là Point of Entry. Tuy đó không phải là những tác phẩm dở tệ, ví dụ như Breaking the Law hay Living After Midnight với những âm thanh nghe thật bắt tai, rất phù hợp để lên sóng radio và cuốn hút công chúng Mỹ cùng thứ văn hóa fastfood truyền thống. Nhưng đó quả thực là một Judas Priest làm nhạc để bán album chứ không phải làm album vì âm nhạc. Trước những chỉ trích những fan metal chân chính, Judas Priest đứng trước hai lựa chọn: tiếp tục sell-out hay trở về với bản chất của mình.


Judas Priest cuối cùng đã chọn hướng đi thứ hai với Screaming for Vengeance. Để thể hiện rằng chúng tôi vẫn theo đuổi heavy metal, tác phẩm đầu tiên phải thật mạnh mẽ và xứng đáng thể hiện tuyên ngôn của ban nhạc và đó là Hellion. Hellion là một bản instrumental với tốc độ cao nhất mà Judas Priest đã từng chơi, được minh họa bằng chính cover art của album này, một con quái vật đại bàng tung cánh trên bầu trời. Đôi cánh bằng metal của nó đã đưa Judas Priest trở lại với vị trí tiên phong của mình. Kết hợp với Electric Eye, Hellion đã trở thành một trong những intro hay nhất trong lịch sử âm nhạc, mở màn cho hàng loạt live show thành công cho Judas Priest trên khắp thế giới.

The Sentinel - Defenders of the Faith

Đánh dấu sự trở lại của Judas Priest nhưng Screaming for Vengeance vẫn còn đâu đó hơi hướng thương mại trong một số bài hát của mình. Album tiếp theo được ra đời năm 1984 - Defenders of the Faith - đã thể hiện rõ ràng mong muốn gạt bỏ tính chất thương mại ấy bằng một phong cách metal máu lửa hơn nữa - “the Master of all metal”. Defenders of the Faith đã đưa Judas Priest lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp âm nhạc, trở thành những ngôi sao đẳng cấp quốc tế, thống trị thế giới theo đúng phong cách của mình. Đại diện cho album là tác phẩm The Sentinel được chơi rất nhanh và nặng, phải nói là nặng nhất vào thời điểm đó, nhưng ở đó không mất đi chất melodic nhờ tiếng đàn của Tipton. Judas Priest đã quay trở lại với công thức thành công của mình trong bài hát này với một tốc độ chưa bao giờ nhanh đến thế: giọng hát screaming của Halford, trống double kicks và bass 16 notes, solo battle của hai lead guitarist, lời hát ngắn gọn và aggressive.


The Sentinel viết về một thế giới hậu tận thế với những phong cảnh hoang tàn như “deserted avenues”, “Dogs whine in the alleys. Smoke is on the wind”, hay “upturned burned-out cars”. Ở đó, có hai thế lực đối đầu nhau, the Sentinel “the challengers await”. Chỉ chờ tiếng chuông nhà thờ ngừng điểm “As the bell ceases its chime”, hai phe lao vào cuộc chiến đẫm máu “Screams of pain and agony rent the silent air. Amidst the dying bodies. Blood runs everywhere”. Và cuối cùng the Sentinel đã chiến thắng trong vô cảm: “The figure stands expressionless, impassive and alone. Unmoved by this victory and the seeds of death he's sown”. Phải chăng hắn đã mất hết nhân tính hay đã quá quen với công việc giết chóc này? Hay phải chăng những kẻ đã chết dưới lưỡi dao của hắn xứng đáng phải chịu án tử?

Nếu bạn nghĩ The Sentinel chỉ là một bài hát vu vơ, mượn tạm một con quái vật nào đó để thể hiện cho sự aggressive của ban nhạc, thì có lẽ bạn đã nhầm. Chẳng có lý do gì mà hình ảnh nhà thờ được lặp lại nhiều lần đến thế. Tại sao the Sentinel đến để trả thù “Sworn to avenge”? Tại sao hắn bị “Condemn to Hell”? Sentinel trong truyện viễn tưởng vốn là những kẻ sinh ra để bảo vệ một thứ gì đó, nhưng ở đây có vẻ hắn đã làm ngược lại mục đích của mình. Hãy nghĩ xem trong tôn giáo, có kẻ nào trước đây là một môn đệ trung thành, là một trong những kẻ sinh ra để bảo vệ đạo Thiên Chúa - Defenders of the Faith, nhưng cuối cùng lại trở thành kẻ phản bội, thành hóa thân của Satan. Đó chính là Judas, kẻ bị đầy dưới tầng địa ngục cuối cùng của Dante, nay đã trở lại để tận diệt những mầm mống cuối cùng của loài người.  

Sworn to avenge
Condemn to Hell
Tempt not the blade
All fear the Sentinel

Painkiller

Sau đỉnh cao của Defenders of the Faith là những năm tháng tồi tệ nhất kể từ khi ban nhạc hình thành. Judas Priest lại một lần nữa lạc lối khi cố gắng xây dựng một phong cách pop metal với sự can thiệp quá tay của nhạc điện tử và những bài hát ballad mùi mẫn qua hai album Turbo Ram it down.  Trong khi đang quay cuồng với con đường âm nhạc của mình thì họ lại dính vào một vụ kiện động trời chỉ vì một bản cover được đưa vào phút cuối trong album đỉnh cao Stained Class: Better by you, better by me. Judas Priest bị cho rằng đã chèn thêm một thông điệp ngầm trong bài hát là: do it, dẫn đến vụ tự tử của hai thanh niên trẻ nghiện ngập. Một người tự dí shotgun vào cằm tự bắn nổ đầu mình và một người còn lại sống sót được thêm ba năm rồi chết. Mặc dù Judas Priest đã trắng án, nhưng cả quá trình kiện tụng đã bòn rút hết sức mạnh của cả ban nhạc và đưa họ vào những trận cãi vã không có điểm dừng. Judas Priest yếu đi thì những ban nhạc thrash trẻ hơn, chơi aggressive hơn đã ngóc lên từ underground: Slayer, Megadeth, Metallica và Anthrax là những cái tên nổi bật nhất. Những metalhead như những con nghiện nhờn thuốc vậy, sau Defenders of the Faith, họ muốn tìm thứ gì đó bạo lực hơn thế nữa và có vẻ Judas Priest và thứ heavy metal của mình đã hết thời.

Tháng 9/1990, album Painkiller và bài hát cùng tên ra đời trong sự ngỡ ngàng của công chúng yêu nhạc metal, chỉ sáu tháng sau khi kết thúc vụ kiện. Từ đống tro tàn đổ nát, Painkiller xuất hiện với “Terrifying scream”, ngạo nghễ cưỡi trên mình một cỗ xe nửa máy móc và nửa là rắn hổ mang “rides the metal monster”. Painkiller không phải ai khác mà chính là Rob Halford. Ông quay trở lại để cứu rỗi cho ban nhạc và cho cả heavy metal như một vị Chúa tái thế vậy: “A savior comes from out the skies in answer to their pleas”. Halford đã hát đến những note mà có lẽ chúng ta cũng nên nghi ngờ ông ấy có phải thực sự là “half man and half machine” hay không? Và cũng không có gì mô tả tốt hơn về tuyệt phẩm này hơn là chính những câu hát:

Faster then a laser bullet
Louder than an atom bomb
Chromium plated boiling metal
Brighter than a thousand suns


Ở tác phẩm này, K. K. Downing như con thú dữ được cởi trói, thỏa sức chơi thứ âm nhạc aggressive nhất khi được cùng kết hợp với tay trống mới Scotts Travis của ban nhạc tốc độ như cái tên của họ: RacerX. Thế nhưng ẩn sâu bên trong bài hát, cái phong cách metal của Judas Priest vẫn thế vì vẫn còn Tipton ở đó cặm cụ sweep picking ra những nốt nhạc hoàn hảo. Painkiller là một trong những ca khúc metal nặng nhất, thỏa mãn cơn khát của những metalhead đang ngóng trông, nhưng cái nặng của bài hát nằm trong giai điệu chứ không phải nhịp độ hay những âm thanh chói tai. Painkiller đã một lần nữa đưa Judas Priest trở lại thống trị metal.

Và nếu như bạn bị nhức mỏi, đau đầu, hãy bật bài hát này lên mà nghe. Bởi vì: “This … is … the … Painkiller”.

Jugulator

Painkiller hóa ra cũng là lời chia tay của Halford với ban nhạc để theo đuổi sự nghiệp solo của mình. Sau sự ra đi của ông, Judas Priest ngừng hoạt động trong suốt những năm 1990’s, nhường chỗ cho sự phát triển của groove metal, một thứ metal giật cục, chú trọng vào tiếng ồn hơn là giai điệu. Chỉ vài năm sau đó, Halford công khai với cả thế giới rằng mình bị gay. Một cú sốc lớn cho hình tượng của một frontman nhạc metal gai góc và nam tính. Halford ra đi có phải vì ông không muốn sự thực này ảnh hưởng đến hình ảnh của ban nhạc hay do những tranh cãi với K. K. Downing về đường hướng phát triển của ban nhạc?

Phải đến năm 1997, album tiếp theo Jugulator đã ra đời, được mở đầu với tác phẩm cùng tên. Nghe Jugulator ta thấy phong cách âm nhạc của Judas Priest lại một lần nữa bị đánh mất. Không có sự hòa hợp và cân bằng quen thuộc, cái chất groove metal như của Pantera hay thrash metal của Metallica thời kỳ đầu đã xâm chiếm toàn bộ bài hát này và cả hai album Jugulator Demolition. Judas Priest buộc phải chơi mà không có Halford, với người thay thế cho ông là Tim “the Ripper” Owens. Sự kết hợp với Owens như một câu chuyện cổ tích vậy, một fan hâm mộ cuồng nhiệt của Judas Priest lập ra một ban nhạc cover thần tượng của mình, rồi để một ngày được sống với giấc mơ trở thành frontman của ban nhạc mà mình cover. Nhưng Owens không phải là người định hình âm nhạc cho Judas Priest giai đoạn này mà chính là K. K. Downing với Tipton cùng chia nhau sáng tác các bài hát.


Jugulator chính là cover art của album, một con quái vật man rợ và tàn bạo đang xẻ thịt con mồi của nó “Reaches in and rips your spine out”. Judas Priest thường viết về metal monster nhưng không bao giờ họ dùng cái chất gore làm đại diện âm nhạc của mình. Các fan hâm mộ của ban nhạc đã quá quen việc Judas Priest là ban nhạc tiên phong dẫn dắt metal chứ không phải là kẻ theo sau trào lưu của thời đại. Có lẽ vì thế, cả hai album này đều không được các fan ruột của ban nhạc đón nhận và chịu rating thảm hại từ các nhà phê bình âm nhạc. Thế nhưng, theo quan điểm cá nhân của tôi, Judas Priest chơi không quá tệ, thậm chí có những bài hát xứng đáng được đưa vào top hay nhất của ban nhạc như: Jugulator, Burn in Hell, Cathedral Spires, Machine Man hay One on One. Owens là một ca sỹ rất tài năng với sức trẻ và độ brutal hơn rất nhiều so với Halford, ít nhất anh này hát hay gấp vạn lần các ca sỹ chính của các ban nhạc groove hay thrash metal thời bấy giờ như Pantera, Machine Head, hay Metallica. Cùng với đó, ở đằng sau những cây đàn vẫn là những thành viên ban đầu của Judas Priest, chỉ khác là họ bỏ bớt giai điệu đi và tăng distortion lên nữa mà thôi. Jugulator Demolition là thứ âm nhạc nặng nhất mà Judas Priest từng chơi và chúng xứng đáng nhận được sự tôn trọng hơn từ các fan của ban nhạc và của chính từ các thành viên ban đầu của ban nhạc - những người cố gắng xóa giai đoạn này đi khỏi lịch sử vang dội của Judas Priest.

Hellrider - Angel of Retribution

Phải mất 15 năm mới đủ để Halford, Hill, Downing và Tipton hiểu ra rằng họ cần nhau đến như thế nào. Kỳ lạ thay trong quãng thời gian này, hàng loạt những tên tuổi của New wave of Bristish heavy metal cũng bỗng nhiên tìm về với nhau sau hàng thập kỷ tan rã. Angel of Retribution ra đời như là một sự hối tiếc muộn màng của Judas Priest. Đáng lẽ ra họ đã có thể liên tục ra những album như vậy để nối tiếp thành công của Painkiller mới phải. Giờ đây thời gian đã lấy đi sức mạnh và cao độ của Halford, khiến cả ban nhạc phải cùng nhau chơi hạ tông xuống để đỡ cho ông. Những guitarist trẻ thời nay cũng đang chơi đàn càng nhanh và kỹ thuật hơn trong khi Downing và Tipton đã tới tuổi xế chiều.

Bài hát hay nhất trong album này có lẽ là Hellrider, lại là một gã biker từ địa ngục trong tưởng tượng của Halford. Ý nghĩa bài hát đúng là chỉ có vậy, nó mang nhiều tính chất hoài niệm nhiều hơn là một sự đột phá táo bạo. Nếu có gì đáng nói thì chắc đó là sự kết hợp hoàn hảo lần cuối cùng của cặp đôi Downing và Tipton, trong phong cách âm nhạc mà Judas Priest đã hết sức thành công. Sau album tiếp theo thất bại thảm hại về cả mặt tài chính lẫn âm nhạc, K. K. Downing đã gác đàn trở về quê dưỡng già và tận hưởng niềm vui thú đánh golf.


Spectre - Firepower

Mùa hè năm 2017, quả thực tôi rất bất ngờ khi lên Youtube và nhìn thấy một video mới từ Judas Priest Vevo. Đó là một đoạn demo ngắn của bài hát Lighting Strike. Ngay lập tức tôi đã choáng ngợp với cách chơi của Judas Priest và đi lùng mua ngay album này. Phải nhớ rằng lúc này những thành viên ban nhạc đã là những ông già tuổi 60, cùng lắm thì thỉnh thoảng có thể kiếm tiền bằng những tour nhạc lay lắt dành cho những metalhead hoài cổ. Thậm chí những ban nhạc metal theo sau họ trong những năm 80, 90 cũng đã lần lượt giải nghệ và chấp nhận cái chết của heavy metal. Càng bất ngờ hơn nữa vì đáng lẽ Epitaph World Tour năm 2012 đã là tour diễn chia tay của ban nhạc rồi. Thế nhưng, thực sự Judas Priest đã quay trở lại và lại tiếp tục đi tiên phong để nhắc người ta rằng classic heavy metal vẫn còn đó. Vẫn là cái chất của Judas Priest thời Painkiller, nhưng âm nhạc của họ giờ đây đã có những giai điệu mới mẻ hơn từ cách chơi của tay guitarist mới Richard Faulkner, người thay thế cho K. K. Downing. Mặc dù rất hâm mộ bộ đôi Downing và Tipton, nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng Judas Priest bây giờ cần sức sống của Faulker để đi tiếp ở thời đại ngày nay.


Trong album rất hay này thì có lẽ Spectre thể hiện rõ nhất sự đổi mới về âm thanh của Judas Priest. Họ đánh mạnh và hiện đại nhờ tiếng lead của Faulker, nhưng vẫn giữ được cái chất Judas Priest trong bài hát một cách tinh tế. Không cần chơi quá nhanh, Judas Priest đã chủ động giữ nhịp độ trung bình và phả vào bài hát một giai điệu tăm tối rất phù hợp với ngữ cảnh. Viết về cảm giác của một con vampire đang reo rắc nỗi kinh hoàng trong màn đêm: “Like a thief in the night with the blade held tight”, Judas Priest muốn nói gì? Hay họ muốn nhắc chúng ta rằng di sản âm nhạc đồ sộ của họ sẽ mãi mãi bất tử. Judas Priest sẽ không bao giờ dừng lại “This man will stop at nothing to always get his way”, sẽ liên tục thay máu để trường tồn dù cho thời gian đổi thay thế nào đi chăng nữa “He kills to heal himself”.

Quả thực, Judas Priest đã cho một người đam mê heavy metal như tôi có quyền hy vọng. Liệu một ngày nào đó lang thang Youtube, có thể tình cơ tôi lại thấy một sáng tác mới của ban nhạc huyền thoại này thì sao? Cho dù tiếng hát cất lên không còn là của Halford, tiếng bass cũng của ai đấy chứ không phải của Ian Hill, cũng không còn điệu trống dồn dập của Travis hay những đoạn phối hợp solo hoàn hảo của Downing và Tipton. Thậm chí kể cả khi cái tên Judas Priest rồi cũng sẽ không còn. Dù gì đi chăng nữa, heavy metal vẫn sẽ tìm cách trở lại, như đã bao nhiêu lần nó đã trở lại dưới ngọn cờ của Judas Priest trong lịch sử huy hoàng của nó.