Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Pink Floyd - Jugband Blues: Tự sự của một gã điên hay lời cảnh tỉnh của một kẻ đi khai sáng


Pink Floyd - Jugband Blues: Tự sự của một gã điên hay lời cảnh tỉnh của một kẻ đi khai sáng

Đã bao giờ ta giật mình giữa đêm khuya, bất chợt hồi tưởng về một điều mình đã làm rất sai trong quá khứ, để rồi trằn trọc không ngủ được. Ai mà chẳng đã từng có cái thời bồng bột, vì bản thân mình mà không quan tâm đến những người xung quanh. Ai mà chẳng có lần buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn, để rồi cái lựa chọn còn lại cứ đeo đuổi ta đến suốt cuộc đời. Làm người là phải nghiệt ngã như vậy đấy. Tham vọng cá nhân và áp lực của xã hội sẽ đưa đẩy ta đến những tình huống như thế, hành động của con người lúc ấy dường như cũng chẳng còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Kể cả khi đó là những nghệ sỹ lớn, những rock star với cuộc sống quá đủ đầy, thì cái sự đời đó cũng vẫn đeo bám họ. Đó chắc hẳn là những gì mà các thành viên ban nhạc huyền thoại Pink Floyd nhớ tới mỗi khi người ta nhắc đến cái tên Syd Barrett.  

Syd Barrett – Một phút huy hoàng …

“Remember when you were young,
You shone like the sun …”
- Shine on You Crazy Diamond – Wish You Were Here – Pink Floyd

Roger Keith Barrett sinh ra và lớn lên ở thành phố Cambridge yên bình với dòng sông Cam lững lờ chảy trôi mỗi ngày. Lớn lên trong một gia đình trung lưu truyền thống, cậu bé Roger Barrett đã có một tuổi thơ trọn vẹn trong vòng tay thương yêu của cha mẹ. Ngay từ nhỏ, cậu đã bộc lộ khả năng thiên bẩm với mọi loại hình nghệ thuật. Mặc dù đạt được một giải thưởng nhỏ nhờ chơi piano, Barrett tìm kiếm thấy tình yêu của mình với hội họa, thơ ca và đặc biệt là với cây đàn guitar. Tài năng, hoạt bát và sáng tạo, cũng chẳng lạ gì khi Barrett sớm đã trở thành tâm điểm của chúng bạn. Như ánh mặt trời ló dạng khỏi màn sương mù mịt của thành phố cổ kính, Barrett có một sức cuốn hút kì lạ, soi sáng ra những tư tưởng lớn cùng chiều. Những cái tên như Roger Water và David Gilmour lần lượt trở thành những người bạn thân của Roger Barrett ngay từ thuở thiếu thời, với chung niềm đam mê theo đuổi nghệ thuật. Có phải vì thành phố Cambridge quá nhỏ bé hay là vì định mệnh đã an bài, mà sau này hai người bạn học ấy trở thành những nhân vật chính nhất trong bộ phim cuộc đời ông.

Cambridge, 1950

Thời niên thiếu của Roger Barrett cứ thế trôi qua bình lặng như dòng sông Cam đắm chìm trong không gian nghệ thuật và kiến trúc cổ điển của thành phố. Xen giữa thời gian học vẽ tranh và làm thơ, ông cũng tranh thủ có ban nhạc riêng của mình, với nghệ danh Syd Barrett đễ tránh bị nhầm với một tay guitar bass chơi jazz nào đó. Cùng với người bạn thân David Gilmour hàng ngày nghiên cứu và trao đổi các ngón đàn, có ai ngờ rằng hai cậu thanh niên đó đều sẽ trở thành những guitar heroes hàng đầu thế giới.   

Và câu chuyện bắt đầu khi chàng trai Roger “Syd” Barrett quyết định rời bỏ Cambridge để đến với thủ đô London náo nhiệt để tiếp tục con đường nghệ thuật. Số phận đã sắp đặt cho Syd gặp lại người bạn cấp 1 Roger Water và hai thành viên khác là Richard Wright và Nick Mason cùng trong ban nhạc của Water lúc bấy giờ, để rồi Pink Floyd ra đời năm 1965. Không phải ai khác mà chính là Syd đã nghĩ ra cái tên ấy, bằng cách ghép tên hai nghệ sỹ chơi blues nổi tiếng mà ông yêu thích. Một tên tuổi vang danh mọi thời đại ra đời chỉ đơn giản vậy thôi.

Trong thời gian đầu hoạt động, Pink Floyd vẫn chưa có đường hướng rõ ràng, chủ yếu chơi loại nhạc phổ biến thời bấy giờ là R’n’B (không phải loại nhạc R&B đương đại ngày nay) và Blues. Chỉ tới khi làn sóng Psychedelic xuất hiện, Syd mới thực sự tìm ra định hướng âm nhạc mà ông và các thành viên trong ban nhạc có thể khẳng định tối đa khả năng của mình: âm nhạc Psychedelic. Psychedelic được dùng để nói đến trạng thái ảo giác khi phê acid, loại ma túy với tên gọi LSD rất phổ biến trong giới trẻ thời bấy giờ. Thế nhưng, trào lưu Psychedelic không phải hoàn toàn chỉ là ma túy, mà nó còn là xu hướng “phản văn” – counter culture của lớp trẻ trong trào lưu Hippi đang ngày càng lớn mạnh. Trong khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam đang leo thang và cuộc sống ở các quốc gia tư bản đế quốc như Anh đã quá thừa mứa, mối quan tâm của lớp trẻ lúc này là phản chiến, là hòa bình thế giới, là chống lại chính quyền, chống lại những tư tưởng giáo điều của Thiên Chúa và xã hội phương Tây. Phong trào counter culture ấy là khát khao của lớp trẻ với quyền tự do cá nhân mà không muốn bất kì sự ràng buộc nào. Ma túy, tình dục và phản chiến là những thứ được hưởng ứng và cũng là đề tài khai thác chính của nghệ thuật thời bấy giờ. Âm nhạc Psychedelic được ra đời trong bầu không khí rạo rực ấy, không một chuẩn mực và cũng không một giới hạn. Chơi Psychedelic không hẳn là chơi nhạc cho những kẻ say ma túy, mà nó là phải làm sao tái hiện cho người nghe cái ảo giác của thứ ma túy ấy bằng âm nhạc của mình. Vì thế, nó đòi hỏi người nghệ sỹ phải không ngừng tìm tòi, không ngừng sáng tạo với âm nhạc và kĩ năng trình diễn. Và Syd Barrett đã có quá thừa những tố chất ấy.            

Pink Floyd trong thời kỳ đầu, Syd Barrett đứng trước

Với đường hướng mới, cái tên Pink Floyd nhanh chóng nổi lên trong giới nhạc underground. Điều cuốn hút người nghe đến với ban nhạc chẳng phải gì khác mà chính là Syd Barrett. Với vẻ ngoài điển trai như một tài tử điện ảnh, sức cuốn hút kỳ bí và khả năng chơi nhạc điêu luyện, Syd nhanh chóng trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, lôi cuốn người nghe đến với thứ âm nhạc thử nghiệm của mình. Syd đã tìm ra nơi mà có thể đưa thơ văn và phong cách hội họa trừu tượng được học từ Cambridge được hòa nhập vào với tình yêu âm nhạc mãnh liệt. Và cứ thế bản hit đầu tiên đã ra đời: Arnold Layne. Trong lúc này, Pink Floyd đã viết được một số bài hát cho album đầu tay, nhưng cả nhóm đã quyết định đưa Arnold Layne trở thành single đầu tiên, đơn giản chỉ vì nó ngắn gọn và dễ nghe, điều mà sau này là thứ Syd ghét cay ghét đắng. Mặc dù không được lên sóng phát thanh do nội dung của bài hát quá nhạy cảm với công chúng thời bấy giờ (viết về một gã biến thái trộm đồ phụ nữ cái thời Syd và Water còn là hai đứa trẻ lít nhít), chính thứ bị cấm đoán đó lại càng gây nên sự tò mò với người nghe. Nhận thấy sức hấp dẫn của Pink Floyd và Syd Barrett, EMI đã tìm đến và ký ngay hợp đồng với ban nhạc. Xuất hiện dưới ánh đèn của truyền thông, Syd Barrett mỉm cười với đôi mắt ngời sáng: “Chúng tôi muốn trở thành những ngôi sao”. Đến khi single thứ hai ra đời - See Emily Play, nó đã được công chúng đón nhận say sưa trong những âm thanh kỳ ảo được tạo ra từ chiếc zippo kéo qua dây đàn như chơi violon của Syd Barrett.   

See Emily Play - Pink Floyd

Thành công với hai single đầu tay do Syd Barrett viết, Pink Floyd lại lao vào phòng thu để cho ra album đầu tiên của nhóm nhạc: The Piper at the Gates of Dawn, chủ yếu đều do Syd Barrett viết nhạc và lời. Có lẽ để phân tích tỉ mỉ một album với đầy những yếu tố huyền ảo, những định ý phức tạp và mối liên hệ sâu xa với văn hóa và lịch sử thế giới thì cần phải có riêng một lần viết khác mới xứng đáng. Thế nên ở đây chỉ là những gì chung nhất của album ấy thôi.

Trước hết phải kể đến cái đặc biệt của tiêu đề album. Nó được lấy cảm hứng từ một bộ truyện thiếu nhi mà Syd rất yêu thích của nhà văn Kenneth Grahame - The Wind in the Willows. Thực ra thì cuốn sách này cũng không hẳn là giành cho trẻ em, mà như những gì tác giả đã viết: “cho những tâm hồn tươi trẻ”. Dù sao đi chăng nữa, nó đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu trẻ em nước Anh. The Wind in the Willows là sản phẩm sinh ra từ trí tưởng tượng và tình yêu thương của người cha viết cho chính đứa con trai của mình, một đứa trẻ sinh ra với khiếm khuyết và đã tự kết liễu đời mình năm 20 tuổi. Cho tới khi về già và khó khăn về tài chính với đồng lương hưu ít ỏi, Kenneth Grahame buộc phải viết sách để kiếm tiền. Ông đã chắp nối những câu truyện kể ngày xưa vào thành một cuộc phiêu lưu kì thú của hai nhân vật chuột chũi (Mole) và chuột đồng (Ratty) và viết thêm mới hai chương truyện nữa. Một trong số đó là chương thứ 7 - The Piper at the Gates of Dawn. Trong đó, hai nhân vật chính đi tìm kiếm đứa con trai của rái cá bị lạc. Chúng đi mãi đi mãi, đi qua bờ sông tới một vùng đất bí ẩn thì bị cuốn hút bởi tiếng sáo lôi cuốn đến lạ kỳ. Ở đó, chúng đã gặp được con trai của rái cá dưới chân Pan­, một vị thần nửa người nửa dê trong nét văn hóa Paganism sơ khai. Sau khi quỳ xuống trước Pan hành lễ thì bình minh cũng ló dạng và vị thần cũng đã biến đâu mất. Hai con vật vui vẻ nhưng luyến tiếc chèo thuyền trở về nhà cùng với đứa con của rái cá. Chắc hẳn, khi lựa chọn cái tên The Piper at the Gates of Dawn cho album đầu tay, dựa theo một câu chuyện cổ tích huyền bí, Syd có lẽ cũng đang ví mình như vị thần Pan kia, mang phép mầu của âm nhạc đến cho nhân loại trong mỗi bài hát của mình.


Về tổng thể album, The Piper at the Gates of Dawn có một phong cách hoàn toàn khác với âm nhạc Pink Floyd những năm sau này. Nó không được xây dựng theo dạng concept album trau truốt từ đầu chí cuối như những gì Roger Water tạo ra. Trái lại, mỗi bài hát trong album như những bức tranh riêng rẽ được trưng bày trên bức tường của một phòng triển lãm. Mỗi bài hát là một tác phẩm trừu tượng với ngôn từ lôi cuốn nhưng gần gũi, hay nhưng khó hiểu. Chẳng khác gì những bức tranh của Pablo Picasso vậy, với mỗi người nghe các bài hát sẽ tự chọn cho mình một hình hài biến tấu khác nhau để ai cũng có thể tìm được một góc của mình trong đó. Trong album ấy, ta có thể đến với những chuyến phiêu lưu kỳ thú tới không gian vũ trụ bao la đến đáng sợ qua những âm thanh thử nghiệm lạ kỳ và phức tạp với Astronomy Domine hay Interstellar Overdrive, đi đến những miền cổ tích xa xưa qua phong cách phối trộn của nhạc Rock, Jazz, với Folk Song, điểm xuyết đâu đó cả màu sắc phương Đông qua Matilda Mother, The Gnome, Chapter 24, rồi quay trở lại với những thứ hết sức đời thường với phong cách có phần hồn nhiên, huyên náo nhưng lại có lúc bí ẩn và tăm tối ở Lucifer Sam hay Bike.

Interstellar Overdrive - Pink Floyd

Vậy điều gì đã làm nên sức cuốn hút mãnh liệt của âm nhạc Pink Floyd dưới tay Syd Barrett? Đó là sự táo bạo, sẵn sàng thử nghiệm, kết hợp với hiểu biết sâu sắc về hiệu ứng âm thanh và phối hợp các tính năng của nhạc cụ. Nếu so nhạc Pink Floyd lúc ấy với âm nhạc hiện đại ngày nay thì có vẻ thứ âm nhạc này đã lỗi thời. Thế nhưng phải nói rằng khi album này trình làng cho công chúng lúc bấy giờ thì đảm bảo chưa từng ai nghe thấy thứ gì tương tự như thế trên đời. Cách chơi của ông là đơn giản nhưng mạnh mẽ, đánh thẳng vào cảm xúc người nghe. Phải nói rằng, Syd Barrett như một pháp sư đầy quyền năng, có thể kiểm soát và định hình những thứ âm thanh tưởng chừng như hỗn loạn. Tỉ dụ như tiếng feedback, vốn là lỗi vòng lặp của âm thanh khi micro và loa liên tục truyền âm cho nhau gây ra tiếng thét chói tai thì với Syd nó lại được cẩn thận uốn nắn đưa vào khuôn khổ của âm nhạc. Bằng cách hiệu chỉnh âm ly và bộ chuyển âm, Syd cho phép mình biến đổi linh hoạt, lúc thì tạo ra những âm thanh nặng nề ma quái, lúc thì nhẹ nhàng chạy song song với tiếng piano của Wright, rồi bất chợt lại hạ tông xuống đánh cùng tiếng bass và trống của Roger và Mason. Một cái hay nữa của âm nhạc của Pink Floyd thời kỳ đầu là sự hòa quyện của tiếng piano diatonic của Wright với âm thanh guitar chromatic của Syd (hiểu đơn giản là diatonic chỉ là những nốt trắng của cây đàn piano còn chromatic là những nốt còn lại). Chính cách chơi đấy cho phép Syd tự do biến tấu, thoát khỏi hoàn toàn các khuôn khổ âm nhạc thông thường, khiến cho người nghe đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, không biết ông sẽ chơi gì tiếp theo. Những nốt chromatic vốn sinh ra để hoàn thiện và trở về với các nốt diatonic, nhưng nếu chỉ chơi có mỗi chromatic, mỗi khổ nhạc dường như bị bỏ ngỏ, khiến cho người nghe có cái cảm giác “ngứa ngáy”, hồi hộp chờ cung nhạc được hoàn thiện, nhưng không, nó chỉ kết thúc ở đó thôi. Cùng với Wright, Syd đã vô tình tạo ra tritone paradox, hay còn được gọi là Diabolus in Musica (Ác quỷ của Âm nhạc), cái mà những nhà soạn nhạc cổ điển khuyên học trò của mình phải tránh thật xa. Việc sử dụng tritone đã làm ra cái chất “khó nghe” cho âm nhạc của Syd, bởi lẽ não bộ của con người sinh ra là để tìm kiếm những âm thanh hòa hợp. Như một người bước xuống cầu thang trong bóng tối, chợt phát hiện mình bước hụt một bước, chính cái cảm giác đó cũng là cảm giác khi con người nghe thấy điệu tritone này. Sự kết hợp lạ kỳ của chromatic và tritone ấy đã tạo nên cái chất Psychedelic cực kì riêng biệt của Pink Floyd so với các ban nhạc Rock cùng thời.

Sẽ là khiếm khuyết nối bỏ qua tài năng về ngôn ngữ của Syd, lời hát mà ông viết ra cũng có cái tính chất dị thường chẳng kém gì âm nhạc của ông. Những ngôn từ ấy nếu đứng riêng biệt thì tưởng là dễ hiểu nhưng khi kết hợp với nhau lại buộc người nghe phải tự mình suy tư ngẫm nghĩ. Cái hay của nhạc Psychedelic và Progressive là ở chỗ đấy, nó cho con người ta được cái quyền tìm hiểu và sáng tạo, hệt như những gì mà phong trào “phản văn” đang khao khát. Cũng có nhiều người cho rằng Syd viết lời khi đang phê acid, chúng đều vô nghĩa mà thôi, đừng có mất công tìm hiểu làm gì cho mệt, cũng như khi ta nghe Stairway to Heaven của Led Zeppelin vậy, chính tác giả cũng không biết mình viết cái gì. Thế nhưng, phải nhớ rằng hầu hết phần lời của các bài hát đã được Syd viết từ lâu trong một quyển sổ thơ từ thời niên thiếu của ông ở Cambridge, có lẽ Syd Barrett thực sự có một dụng ý nào đó chỉ là không nói ra cho chúng ta mà thôi. Dị thường trong âm nhạc và cũng bất thường trong lời hát, Pink Floyd của Syd Barrett là thứ khác biệt cần thiết sinh ra cho nhạc Psychedelic. Chắc hẳn khi The Beatles đang ngồi thu âm album Psychedelic đầu tiên của mình - Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band ở phòng thu bên cạnh mà có vô tình qua nghe Pink Floyd, Mccartney phải quay sang bảo với Lennon rằng: “Tao cứ tưởng là mình đã biết chơi Psychedelic rồi mới phải”.

Thành công rực rỡ nhanh chóng đến với Pink Floyd sau khi album đầu tay ra đời, với hàng loạt lời mời lưu diễn khắp thế giới. Mọi thứ dường như đến quá nhanh, chỉ vài tháng trước những chàng trai trẻ của Pink Floyd chỉ mới là một ban nhạc biểu diễn ở các câu lạc bộ vô danh, thì bấy giờ họ đã có những show diễn cạnh những tên tuổi lớn như Jimmy Hendrix, The Beatles hay The Beach Boys. Mỗi show diễn của Pink Floyd là sự phối trộn của công nghệ và nghệ thuật chưa từng có. Ở đó là sự kết hợp hoàn hảo của âm nhạc với ánh sáng, của hệ thống âm thanh vòm với những thước phim trừu tượng trình chiếu phía sau ban nhạc. Đây đã trở thành một công thức đã đi theo Pink Floyd trong suốt chặng đường của họ sau này. Trong không gian nghệ thuật đầy ngẫu hứng và ảo giác, Syd Barrett đứng đó cầm trên tay cây đàn Fender với những chiếc đĩa CD gắn lên vỏ, phản chiếu ánh sáng sân khấu xuống người nghe như vầng mặt trời rực rỡ giữa trưa hè - một người nghệ sỹ đang từng bước tiến lên đỉnh cao nhất của vinh quang.

Pink Floyd, 1967

… rồi vụt tắt

“Now there's a look in your eyes,
like black holes in the sky…”
- Shine on You Crazy Diamond – Wish You Were Here – Pink Floyd

Pink Floyd là một ban nhạc diễn live với tần suất khủng khiếp so với các ban nhạc cùng thời. Mỗi buổi diễn người nghe lại đòi hỏi một trải nhiệm mới, như những con nghiện muốn tìm kiếm một liều mạnh hơn thế nữa. Không chỉ có đòi hỏi từ phía công chúng, những ông chủ phòng thu cũng ra sức thúc ép những con gà đẻ trứng vàng của mình phải làm nhiều hơn thế nữa. Với vai trò thủ lĩnh, không lạ gì khi áp lực dồn về phía Syd là nhiều nhất, phải làm sao trình diễn thật hoàn hảo, phải làm sao cho ra liên tiếp những bài hát phù hợp với những xu hướng mới nhất, phải làm sao cho người nghe những hiệu ứng âm thanh lạ tai hơn nữa. Áp lực kéo theo áp lực, dần dà các thành viên ban nhạc chợt nhận ra rằng Syd đã kiệt sức, với chỉ 2 năm sau khi ban nhạc thành lập và cũng chỉ vài tháng sau khi album đầu tay chính thức ra đời.

Để chống chọi với áp lực ấy, Syd tìm kiếm chỗ dựa ở LSD, loại ma túy đã làm nên chính phong trào Psychedelic. Những người “bạn” của Syd ở thủ đô London náo nhiệt hầu hết đều là những kẻ nghiện ngập. Không những để cho ông lạm dụng ma túy một cách mất kiểm soát, mà họ còn cổ xúy cho hành vi ấy như một thứ thời thượng. Và cũng loại ma túy gây ảo giác ấy đã làm tâm trí ông không còn ở lại với trần thế nữa, như những lời mà các ông chủ phòng thu, các thành viên trong ban nhạc và những người “bạn thuốc” của Syd trả lời với cánh báo chí trong suốt những năm sau này. Ngày qua ngày, từ buổi biểu diễn này qua buổi biểu diễn khác, Syd bỗng chốc trở nên ngày càng “lạ”, từ những lần bỏ tập, bỏ thu âm, phá hoại dụng cụ đến những buổi biểu diễn mà Syd chỉ đứng đó nhìn chằm chặp xuống khán giả, mặc kệ cho ba thành viên còn lại muốn làm gì thì làm hay cái lần Syd chỉ chơi đúng 1 có một nốt nhạc trong cả buổi diễn. Tưởng chừng như ông đang sống ở một thế giới của riêng mình vậy. Người nghe thì cứ nghiễm tưởng đây là một thử nghiệm âm nhạc mới của Syd. Nhưng với các ông chủ phòng thu, họ đã chợt nhận ra người nghệ sỹ này cũng chỉ là con người chứ đâu phải là một thứ máy móc. Hàng loạt tour diễn nhanh chóng phải hủy bỏ và Syd cùng bạn gái được đưa đi nghỉ dưỡng với hy vọng ông sẽ quay lại tiếp tục với sự nghiệp âm nhạc dang dở. Thế nhưng, điều Syd nhận được ở kì nghỉ khi ông vừa đáp xuống sân bay là cái tiêu đề “Pink Floyd đã bỏ cuộc” của giới báo chí hiếu kỳ. Trớ trêu thay khi trở về, Pink Floyd lại tiếp tục lao vào những tour diễn ở Mỹ, với mật độ biểu diễn và số lượng khán giả còn khủng khiếp hơn nữa. Sự khác biệt quá lớn của hai nền âm nhạc đã làm cho Syd choáng ngợp. Chính sự nghiệp của ban nhạc - đứa con tinh thần của Syd - đã không cho ông có một chút cơ hội để hòa nhập trở lại. Trong suốt cả tour lưu diễn, Syd gần như không thể chơi nhạc và đã nhiều lần tìm cách bỏ trốn nhưng không thể. Một tâm hồn đã chán nản tới tuyệt vọng mà không có lối thoát, không biết bấu víu vào đâu.

Về đến nước Anh, một ngày bước chân tới studio, Syd bất chợt nhận ra người bạn thân nhất từ thời cấp 3 - David Gilmour đang cùng chơi với ban nhạc ở vị trí của mình. Ý tưởng của các thành viên khác là như thế này: chúng ta không thể thiếu cái tên Syd Barrett trong ban nhạc của mình, vậy thì cứ để Syd viết nhạc sau cánh gà, còn nhiệm vụ của Gilmour là đánh thế chân mỗi khi biểu diễn. Lúc ấy, David Gilmour đang thất nghiệp, kiếm sống qua ngày với nghề lái xe tải, thì chẳng dại gì mà ông không nhận lời. Những gì Syd đánh thì Gilmour cũng chơi được, họ đã cùng nhau lớn lên với cây đàn guitar cơ mà. Vậy là Pink Floyd tiếp tục chặng đường âm nhạc với thêm một thành viên nữa.

Thế nhưng, chỉ sau 4 đêm diễn, khi thấy Syd chẳng đóng góp được gì thêm, trong khi Gilmour đảm nhận quá tốt vai trò được giao, ba thành viên còn lại đã đổi ý. Đến đêm diễn thứ năm, khi đang trên xe đến nhạc hội, một người quay ra hỏi: “Này, chúng ta phải đón Syd chứ?” – “Kệ mẹ nó đi, chẳng ai quan tâm đâu”, những người khác trả lời. Kể từ đó, Syd Barrett không còn lưu diễn với ban nhạc mà chính ông đã nghĩ ra cái tên cho nó nữa. Như một con sói đầu đàn trầy trật sau một trận tranh đấu, trở về bỗng trở thành gánh nặng và bầy đàn đã bỏ lại nó chết dần trong một hang hốc, xó xỉnh nào đó.

Dù thế, Syd vẫn là một thành viên trong ban nhạc và ông vẫn có trong tay lịch lưu diễn. Vào một buổi hòa nhạc ở Imperial College, London, Syd bất ngờ tới tham gia. Khi bị từ chối lên diễn và phải đứng dưới sân khấu, đôi mắt ông vô hồn nhìn chằm chặp về phía ban nhạc, khi những khúc nhạc mình viết ra vang lên trong tiếng đàn của David Gilmour. Trong đôi mắt ngời sáng ngày nào giờ đây chỉ còn là sự trống rỗng và tăm tối, như lỗ đen trên vũ trụ đã rút cạn hết sức sống và đam mê của ông.   
    
Jugband Blues - đóng góp cuối cùng của Syd Barrett

Thời gian cứ thế trôi qua và Pink Floyd lại cùng ngồi với nhau ở phòng thu để chuẩn bị cho album thứ hai: A Saucerful of Secrets trong sự kỳ vọng của người hâm mộ. Lúc này, Syd lúc có lúc không trong các buổi tập, đóng góp trực tiếp của ông cũng không còn nhiều cho ban nhạc nữa. Trong cả album thứ hai này, chỉ có đúng một bài hát mà Syd tự tay viết được đưa vào. Đó chính là Jugband Blues và đây cũng là đóng góp cuối cùng của Syd Barrett cho ban nhạc Pink Floyd.

Trước khi phân tích kĩ hơn về bài hát này, thì cần lưu ý rằng cũng như những bài hát trước đây Syd viết và những nhạc phẩm sau này mà Pink Floyd sáng tác, những lời lẽ ngôn từ trong đó đều là “mở” cho mọi người nghe. Vì thế, chưa chắc những gì viết dưới đây đã hoàn toàn chính xác và có lẽ đó chỉ là sự tưởng tượng của người viết mà thôi.

Jugband Blues - Pink Floyd

Có lẽ khi nghe hết những giai điệu của bài hát, chúng ta sẽ băn khoăn tại sao không thể tìm ra nổi cái chất “Blues” như đã được marketing trong tiêu đề vì rõ ràng ở đây là những giai điệu kết hợp của Pop, Rock và Psychedelic điển hình. Phải nhớ rằng, việc ghép tên của một sự vật với từ “blues” đã là một mô típ gắn liền với thể loại nhạc này, để mỗi khi nghe tới cái tiêu đề thì người nghe đã mường tượng thứ nhạc sẽ được chơi trong bài hát rồi. Những từ ghép ấy thường là những thứ gắn liền với cuộc sống con người như: “Crossroad Blues”, “Bell Bottom Blues”, hay “Bullfrog Blues”, v..v.. Trong đó, những nghệ sỹ chơi Blues mượn một chủ đề gần gũi để nói lên nỗi sầu đời trong tiếng guitar ngẫu hứng và cảm xúc. Thế nhưng, muốn tìm được cái chất “Blues” của Jugband Blues, người nghe buộc phải tìm nó cả trong những câu chữ Syd viết chứ không phải chỉ trong chất nhạc mà ông chơi.

It's awfully considerate of you to think of me here
And I'm much obliged to you for making it clear
That I'm not here

Bài hát bắt đầu với giai điệu pop có phần upbeat với giọng ca đậm chất Anh của Syd trên gam Đô trưởng và nhịp 3/4 truyền thống, tương tự như tác phẩm mang phong cách British Invasion của những Beatles hay The Kinks. Sự xuất hiện của gam Đô trưởng dễ nghe trên tiếng đàn guitar gỗ mộc mạc mang lại một cảm giác tươi vui và phấn khởi. Đây là những lời cảm ơn lần cuối của Syd với khán giả, cũng như với những người bạn chơi nhạc của mình trong Pink Floyd. Nếu như câu đầu là lời cảm ơn nhẹ nhàng, có phần lịch sự thái quá, mặc dù Syd có viết “awfully” nên ta không biết đây là lời lẽ chân thành hay mỉa mai nữa, thì câu thứ hai thật đáng phải ngẫm nghĩ: tôi phải nói rõ rằng tôi không ở đây. Liệu đây là những tia nhận thức le lói sót lại của một kẻ tâm thần về tình trạng của chính bản thân, cảm thấy dần dần đánh mất tâm hồn và lý trí của mình, hay là lời khẳng định ngầm với tất cả mọi người rằng Roger Barrett bây giờ không muốn sống cuộc đời của ngôi sao Syd Barrett nữa?

And I never knew the moon could be so big
And I never knew the moon could be so blue

Mặt trăng và mặt trời, hai hình ảnh ấy xuất hiện rất nhiều trong ca từ của Pink Floyd, cũng như của nhiều ban nhạc Psychedelic/Progressive cùng thời khác, với mối liên hệ sâu xa tới nền văn hóa Paganism huyền bí trong lịch sử hình thành Châu Âu. Nếu nghe Pink Floyd nhiều, ta sẽ thấy Roger Water hay dùng mặt trời để đại diện cho chân lý, cho sự khai sáng về trí tuệ của con người như trong Echoes hay Set the Controls for the Heart of the Sun. Thế còn với mặt trăng thì sao? Trong văn hóa phương Tây và cả trong The Dark side of the Moon­ – album nổi tiếng nhất của Pink Floyd sau này, mặt trăng được sử dụng làm đại diện cho ánh sáng của sự lừa dối. Nó sáng đấy mà không phải vậy, bởi vì bản thân mặt trăng chỉ đánh cắp ánh mặt trời: “… as a matter of fact it’s all dark”. Danh vọng, tiền tài và địa vị, chúng là những ảo ảnh mà Syd muốn cảnh tỉnh cho ban nhạc, với những người bạn thân thiết nhất của mình: có lẽ con người chúng ta không cần nhiều đến thế, có lẽ chúng ta đang để xã hội điều khiển mình như những con rối không hơn không kém. Để rồi hàng chục năm sau, trải qua bao nhiêu tranh cãi nội bộ khiến những người bạn lâu năm còn không thèm nói với nhau nửa lời, tất cả những thành viên ban nhạc mới thấm thía những gì Syd đã viết ở Jugband Blues. Trong Shine on You Crazy Diamond, Pink Floyd cũng đã phải thừa nhận: “You reached for the secret too soon, you cried for the moon”.

Hơn thế nữa, mặt trăng cũng là đại diện của sáng tạo, của nghệ thuật, sinh ra để mê hoặc con người như những gì King Crimson viết trong album đầu tay của họ. Với Syd, mặt trăng của ông chắc hẳn là thứ nghệ thuật huyền ảo và diệu kì mà ông đam mê từ thuở bé. Pink Floyd của Syd Barrett là vậy, họ là một ban nhạc thử nghiệm vị nghệ thuật, là những chàng trai trẻ khám phá sự mới lạ của âm thanh - ánh sáng, và hơn hết là những người bạn thân thiết với xuất phát điểm giống nhau. Nếu như từ “Jugband” dùng để chỉ một ban nhạc không chuyên, chơi nhạc bằng những dụng cụ hàng ngày như xô, chổi, hay khăn giấy, bất kể thứ gì có thể tạo ra âm thanh mà chẳng phải nhạc cụ, thì quả thật Pink Floyd thời kỳ đầu chẳng khác là một “Jugband” với Syd.  Mặt trăng nghệ thuật của Syd thì thật nhỏ bé và nhẹ nhàng. Thế nhưng, qua thời gian, Pink Floyd đã có một mặt trăng khác, nó phải thật vĩ đại “so big”, nhưng sao lại tẻ nhạt và buồn chán đến thế “so blue”. Quả thật, Syd Barrett đã chán ngấy với tham vọng của ban nhạc, chán ngấy những áp lực của các buổi biểu diễn liên tục và cũng chán ngấy khi phải là tâm điểm của mọi sự kì vọng. Có lẽ với Syd giờ đây, Pink Floyd là thứ ông hết đỗi trân trọng, nhưng lại là thứ làm cho ông chán ghét nhất trên đời.

Có phải là ý đồ của Syd hay không khi mà chỉ hai câu nhạc ngắn ngủi này, nhịp điệu của bài hát bỗng chuyển qua nhịp 2/4. Hợp âm được Syd chơi là sự đan xen kết hợp của Đô trường và La thứ, vốn là hai gam nhạc đồng nhất về nốt nhạc và chỉ khác nhau về yếu tố cảm xúc tới người nghe. Nó làm chúng ta phải phân vân xem nhịp điệu này là vui hay là buồn, là thực hay là ảo. Một phép chuyển đổi như không chuyển đổi rất tinh tế của Syd Barrett, dẫn dắt người nghe đến những biến chuyển mạnh mẽ hơn ở những đoạn nhạc phía sau.

And I'm grateful that you threw away my old shoes
And brought me here instead dressed in red
And I'm wondering who could be writing this song

Chỉ trong ba câu hát ngắn ngủi này thôi mà bài hát đã chuyển nhịp tới ba lần (từ 2/4 về lại 3/4 và chuyển về 2/4 rồi lặp lại 3/4). Cùng với đó, những hợp âm khác đã được Syd đưa vào theo chiều đi xuống theo sự chuyển biến của gam nhạc từ Đô trưởng xuống Rê trưởng. Ở đây, hàng loạt những hợp âm lạ tai với đủ các nốt thăng giáng được Syd đưa vào một cách ngẫu hứng, chính là thứ âm thanh chromatic đã gắn liền với tên tuổi của ông. Từ những khuông nhạc tưởng chừng vui vẻ và lạc quan thì ẩn chứa bên trong là những điều tăm tối và đáng sợ. Cái chiều đi xuống của gam nhạc và các hợp âm cũng là thứ mà ta hay thấy xuất hiện trong âm nhạc của Syd. Chúng tạo ra khó khăn cho người ca sĩ muốn thể hiện nó vì độ phức tạp và biến đổi tinh tế của từng nốt nhạc. Vì thế, âm nhạc thông thường sẽ có chiều đi lên, chứ hiếm khi có chiều đi xuống để nhấn chìm cảm xúc của người nghe như trong bài hát này.

Một lần nữa ta lại nhận thấy bao trùm ở đây là giọng văn hết sức lịch sự một cách thái quá đến mức độ như chế nhạo của Syd. Từng câu hát dù trong cùng một đoạn nhưng lại đứt gãy vì những biến đổi mạnh mẽ về âm nhạc, hệt như những dòng hồi ức đáng quên đang quay chậm lại trong tâm trí của Syd. Đó là cảm giác của ông khi bị vứt bỏ như một đôi giày cũ đã mòn để Pink Floyd tiếp tục đi tiếp một chặng đường mới. Họ vẫn cần Syd ở đây, nhưng chỉ như một con rối đẹp đẽ để khán giả không phải hụt hẫng khi tìm tới Pink Floyd mà không nhìn thấy gương mặt đại diện của ban nhạc, dù quả thực ông có chơi hay không chơi đi chăng nữa, như chính Syd đã thử vài lần trước đây trong các buổi công diễn. Tuy nhiên, chúng ta lại không nhìn thấy ở đây sự giận giữ mà chỉ thấy có một nỗi buồn sâu thẳm. Kết lại đoạn là câu hỏi Syd muốn đặt cho chính bản thân mình: ai đang viết bài hát này nhỉ? Là ngôi sao Syd Barrett đang cố gắng sáng tạo để góp sức vào thành công của ban nhạc, hay là chàng trai Roger Barrett muốn thức tỉnh và khuyên nhủ cho những người bạn của mình rằng đừng chạy theo những thứ phù phiếm nữa, hãy ở lại sát cánh với tôi và cùng say mê khám phá âm nhạc. Không ai biết câu trả lời cho câu hỏi này, kể cả Syd. Đoạn nhạc kết thúc với một câu hỏi vô định kết hợp thật hoàn hảo với điệu nhạc chromatic khiến người nghe phải trông chờ cho một câu trả lời mà mãi mãi không bao giờ xuất hiện. Đó, cái chất “Blues” của Syd là ở đây đó, không có những tiếng đàn réo rắt ngẫu hứng, chỉ có lời hát và tiếng guitar mộc mạc cũng đủ cho người nghe hiểu được cái cảm giác sầu đời của một kẻ bị bỏ lại phía sau.

I don't care if the sun don't shine
And I don't care if nothing is mine
And I don't care if I'm nervous with you
I'll do my loving in the winter

Bất chợt một giai điệu vui tươi mang đậm phong cách Rock những thập niên 60 được vang lên trong không gian sâu thẳm bỏ lại từ đoạn nhạc trước. Vẫn là cung nhạc Rê trưởng, nhưng ở đây Syd chỉ lựa chọn chơi các hợp âm trưởng mà không hề sử dụng một hợp âm thứ nào, như nỗ lực giữ lấy chút gì tích cực bằng âm nhạc. Nhưng đằng sau niềm vui giả tạo bởi giai điệu ấy là những dòng lyric hết sức đối lập. Như nụ cười nở trên môi kẻ đã lâm vào đường cùng, những câu hát này là những lời chấp nhận và buông bỏ: Tôi chẳng thèm quan tâm đến cuộc đời hay chân lý gì nữa, tôi cũng chẳng quan tâm mình sở hữu cái gì và bây giờ tôi cũng đã quá chán chường để mà phải quan tâm tôi phải trình diễn như thế nào trước khán giả, báo giới hay xã hội nữa. Đây là hình ảnh của Syd trong những chuyến lưu diễn cuối cùng. Có phải là Syd đã suy sụp tinh thần nặng nề đến nỗi ông không thể lên biểu diễn được, hay là vì Syd đã hiểu ra rằng những thứ mình đang làm thật là vô nghĩa. Syd không sinh ra để chạy tour, để viết nhạc như một cái máy. Ông đến với âm nhạc để chia sẻ, để khai sáng cho mọi người như phép nhiệm màu của “the Piper” trong truyện cổ tích năm nào. Nhưng có lẽ chẳng ai nghe được tiếng cầu cứu của ông, dù là những người bạn thân thiết từ thuở thiếu thời. Giờ đây có lẽ chính họ cũng đã mờ mắt với danh vọng và sự nghiệp mất rồi

Trước khi đến với câu cuối cùng của đoạn này, cần phải bàn đến mối liên kết giữa ba câu đầu với phần chơi Instrumental tưởng chừng chỉ để trang trí ở phía sau. Nếu hiểu Syd, ta sẽ thấy ông không bao giờ chơi thừa, phong cách của ông là đi thẳng vào cảm xúc người nghe cơ mà. Đoạn Instrument đầu tiên là tiếng nhạc vui tươi và hòa hợp của một ban nhạc diễu hành. Hãy thử tưởng tượng trong đầu về hình ảnh của một ban nhạc diễu hành, bạn sẽ thấy điều gì? Với tôi, đó là sự hào nhoáng và có phần khoa trương trong trang phục. Tôi cũng thấy ở đó âm nhạc chỉ là thứ yếu mà điều quan trọng hơn là sự trình diễn phải thật đều và thật đẹp, âm thanh phải càng ồn ã và huyên náo. Những âm thanh đó có lẽ là cảm nhận của Syd về đường hướng mà Pink Floyd đang tiến tới, xem trọng sự trình diễn hơn là kỹ thuật và phá cách, rời khỏi phong cách Psychedelic ban đầu để hướng tới cái không khí Progressive.

Sang tới đoạn Instrumental thứ hai, cũng là ban nhạc diễu hành đó nhưng giờ đây họ chơi như chẳng ăn nhập gì với nhau nữa. Đây hoàn toàn là dụng ý của Syd khi nói với ban nhạc được mời tới phòng thu: thích chơi gì thì cứ chơi. Vậy dụng ý đó là gì? Trong đoạn này, Syd Barrett đã khéo léo mở cửa để người nghe nhạc có thể ngó thấy một phần tâm hồn của ông. Những gì chúng ta nghe ở đây cũng vẫn là đoạn Instrument đầu tiên thôi, nhưng qua đôi tai Syd sao những âm thanh đó lại hỗn loạn và lạc nhịp đến vậy. Có phải đó là những gì Syd nghe thấy khi đang cùng ở trên sân khấu với những thành viên khác của Pink Floyd trong những tour diễn đình đám khắp nước Mỹ? Chính phút giây ấy, ông chợt nhận ra thứ nhạc ông chơi giờ đã không còn đồng điệu với ban nhạc nữa rồi. Syd quả thực không muốn điều đó, ông muốn cố gắng không nghe thấy gì để đầu óc minh mẫn mà không thể. Ông muốn tìm cách trốn tránh nhưng chẳng còn gì để bấu víu lại nữa rồi. Những tiếng hát “la la la la la” của Syd kết lại đoạn nhạc một cách đầy ám ảnh. Syd đã hóa điên trong nỗ lực yếu ớt của mình hay đó là con đường trốn chạy của ông?

“And if the cloud bursts, thunder in your ear.
You shout and no one seems to hear.
If the band you're in starts playing different tunes.
I'll see you on the dark side of the moon.”
- Brain Damage – The Dark Side of the Moon – Pink Floyd.

“I will do my loving in the winter”. Rời bỏ khỏi nhưng hào quang và ánh sáng sân khấu, Syd Barrett chính thức chia tay Pink Floyd năm 1968. Ông cho ra đời hai album solo riêng, tham gia một số buổi biểu diễn trước khi giã từ hẳn sự nghiệp âm nhạc của mình, vào đúng lúc mà Pink Floyd vươn lên đỉnh cao của âm nhạc với album The Dark Side of the Moon năm 1972. Chàng thanh niên ngời sáng ngày nào với bao hoài bão, nay dứt áo trở về quê hương nhưng với những đám mây u ám đeo đuổi từ quá khứ đáng quên. Syd đã thực sự mất đi tất cả - “nothing is mine”. Ông mất đi sự nghiệp còn đang dang dở, mất đi niềm đam mê nghệ thuật lớn nhất trên đời và hơn thế nữa ông đã mất những người bạn tưởng như thân thiết, gắn bó nhất với mình, giờ đây đang say sưa trong vinh quang và danh vọng. Nhưng ông có quan tâm đến điều đó hay không? Không, Syd Barrett đã chết ở London vào cái ngày mà ông chia tay với ban nhạc. Giờ đây chỉ còn có một gã điên với cái tên Roger Barrett ở thành phố Cambridge mà thôi. Ông vẫn theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình qua hội họa, dù có thể ông sẽ chẳng nổi danh và chẳng còn có ai biết đến tên tuổi ông nữa. Đó là cái “loving in the winter” của Roger. Đó là sự lựa chọn cuối cùng của ông.

And the sea isn't green
And I love the queen
And what exactly is a dream
And what exactly is a joke

Khổ nhạc cuối cùng vang lên với một giọng ca mệt mỏi và chán chường, trong những gam nhạc vô định chơi trên tiếng guitar lệch tông. Những từ “and” lặp đi lặp lại, tưởng như một con người đang cố gắng kéo dài câu chuyện, níu kéo lại những phút giây tuyệt vời cuối cùng trước khi phải chia tay. Hai câu đầu theo tôi nó thực sự là vô nghĩa theo đúng chủ đích của Barrett. Giờ đây ông biết rằng mình sẽ phải hóa thân thành một gã điên khùng, lẩm bẩm những lời vô nghĩa. Chúng ta thừa biết Barrett cũng chẳng thèm quan tâm tới màu sắc của nước biển hay những thứ chính trị thừa thãi bao giờ. Roger Barrett kết lại bài hát bằng hai câu hỏi đầy ám ảnh mà thâm sâu: cái gì là mơ, cái gì là thực? Cái gì là thứ mà người ta đáng phải tôn sùng, còn cái gì là trò cười cho thiên hạ? Chúng ta hãy thử ngẫm xem, câu trả lời là gì. Với Syd, câu trả lời của ông là tất cả chúng giờ chẳng khác gì nhau nữa. 

Vậy thì Roger Barrett có phải là một gã điên không? Tôi không tin là như thế, chí ít là cho tới lúc viết Jugband Blues. Trong bao nhiêu năm chạy chữa, chưa bao giờ có vị bác sỹ nào xác nhận rằng ông bị tâm thần cả. Có thể lý do là vì cái tôi quá lớn của Roger Barrett. Ông không muốn chấp nhận thất bại trong cuộc chiến về tư tưởng âm nhạc với những thành viên khác của Pink Floyd. Cái cách trốn tránh của ông lựa chọn là giả điên để về quê nhà, trốn tránh khỏi xã hội và đắm mình vào thú vui hội họa. Trong suốt những năm tháng ở Cambridge, ông hầu như chẳng bao giờ rời khỏi nhà, những người gần gũi nhất với ông chỉ là những người thân trong gia đình. Roger Barrett không hề phát điên mà ông chỉ chẳng quan tâm nữa, mặc kệ cho xã hội cứ xoay vần, mặc kệ cho thời gian cứ thế trôi đi. Vào một mùa hè năm 2006, Roger Keith Barrett vĩnh biệt cõi đời ở thành phố Cambridge yên bình với dòng sông Cam lững lờ chảy trôi mỗi ngày.

Shine on You Crazy Diamond - Pink Floyd

Kết

Về mặt âm nhạc mà nói, Jugband Blues là sự kết hợp hoàn hảo của tất cả những gì tinh túy nhất về âm nhạc mà Syd Barrett dành cho Pink Floyd. Nào là tritone paradox ẩn sâu trong cấu trúc của bài hát, nào là những nốt chromatic theo chiều đi xuống đầy cảm xúc, nào là những biến đổi kỳ ảo của nhịp điệu. Một bài hát mang đậm phong cách của Pink Floyd dưới thời Syd Barrett, âm nhạc hoàn toàn được dẫn dắt bởi những dụng ý của lời hát, cái điều mà Roger Water đã kiên trì theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình. Jugband Blues là một bài hát thật buồn trong nền giai điệu vui tươi giả tạo. Nó cũng trớ trêu, bi kịch và đầy nghịch lý như cũng chính số phận của Syd Barrett. Hay nói một cách khác, Jugband Blues chẳng khác gì một cuốn tự truyện âm nhạc của Syd Barrett muốn để lại cho nhân loại, nhưng nó không phải cho tất cả mọi người, mà chỉ cho những ai cố gắng muốn hiểu ông mà thôi.

Thế nhưng, Syd Barrett với thời gian hoạt động âm nhạc ngắn ngủi của mình đã để lại cho nhân loại nhiều hơn thế, chỉ có điều là ông không biết hay chính ông cũng chẳng quan tâm. Không kể đến những đóng góp của ông trong thành công ban đầu của ban nhạc, Pink Floyd sẽ ở đâu nếu họ không biết bắt đầu từ những ca từ ma quái và hiệu ứng âm thanh – ánh sáng đầy cuốn hút mà Syd sáng tạo? Chính những đột phá từ một cá tính và tầm nhìn có phần khác người ấy đã trở thành ý tưởng xuyên suốt sự nghiệp của Pink Floyd. Dù ban nhạc có thành công đến mức nào thì cái bóng của Syd vẫn bám dính tới từng chặng đường của họ. Hãy thử nghĩ đến những album thành công vang dội nhất của Pink Floyd. The Dark Side of the Moon lấy cảm hứng của một con người phát điên vì cuộc sống và xã hội hiện đại. Wish You Were Here là album tribute cho chính Syd Barrett. Kể cả The Wall hay Animals, vốn mang đậm sự chi phối của Roger Water, vẫn có đâu đó sự đồng điệu với những tư tưởng mà Syd đã đưa ra từ hàng chục năm về trước.

Vậy thì khi nghe nhạc của Pink Floyd, xin hãy đừng chỉ nghĩ tới mỗi bốn nghệ sỹ tài năng được gắn tên trên bìa đĩa album. Hãy nhớ rằng đứng đằng sau những cái tên đó là một hình bóng lẩn khuất, đó là cái bóng vĩ đại của thành viên thứ năm của ban nhạc. Một kẻ nghiện ngập, một kẻ đi khai sáng, một họa sỹ, một vị thần, và cũng là một gã tù nhân: Syd Barrett.

“Come on, you raver, you seer of visions
Come on, you painter, you piper, you prisoner, and shine”
- Shine on You Crazy Diamond – Wish You Were Here – Pink Floyd.