Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Stairway to Heaven - Robert Plant viết cái đéo gì vậy?

 

Stairway to Heaven - Robert Plant viết cái đéo gì vậy?

 

Ah Led Zeppelin. Cái tên đã quá đỗi quen thuộc với những người nghe Rock. Thế nhưng tên tuổi của bài hát Stairway to Heaven lại còn có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn thế nữa. Không ít người chỉ biết mỗi bài hát này trong set list hàng trăm bài hát từ sự nghiệp lẫy lừng của ban nhạc và thậm chí cũng có người chỉ biết đến Stairway to Heaven mà lại chẳng hề biết gì về Led Zeppelin. Với những người yêu Rock, có lẽ chúng ta đã “phải” nghe đi nghe lại bài hát này tới cả nghìn lần, nhưng đã bao giờ bạn thử dừng lại và ngẫm nghĩ xem họ đang viết về cái quái gì chưa?

Stairway to Heaven - Led Zeppelin

Quả là những giai điệu của bài hát này có phần lôi cuốn đến mức kì dị, khiến chúng ta chăm chú thưởng thức âm nhạc đến nỗi để những lời hát cứ thế trôi tuột qua. Giai điệu ấy như một lớp đồng thau phủ trên chiếc hòm châu báu, khiến cho những kẻ đào mộ quên mất việc mình phải mở hòm và cuỗm lấy đống vàng phía trong. Vậy có lẽ ở bài viết này, chúng ta hãy cùng thử mở nó ra xem bên trong thực sự là kho báu đáng giá hay đó chỉ là một cái hòm trống rỗng mà thôi.

Lời phủ nhận của Robert Plant

Có lẽ để tìm ra câu trả lời cho một thứ gì bí ẩn, điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của mọi người là hãy đi hỏi chính cái người đã tạo ra nó. Thế nhưng, những người có chung suy nghĩ ấy đã hỏi Robert Plant - người đã chắp bút viết nên lời bài hát này - không biết bao nhiêu lần trong suốt cả nửa thế kỷ tồn tại của nó, nhưng chẳng bao giờ họ nhận được câu trả lời xứng đáng cuối cùng. Robert có lần đã khẳng định rằng chính ông cũng không biết: “tùy mỗi ngày mà tôi lại thấy một ý nghĩa mới của bài hát trong khi tôi là người viết nó đấy”. Cũng có lúc Jimmy Page - tay lead guitar của ban nhạc hồi tưởng về lúc mà Robert Plant viết ra nhạc phẩm này: “Robert gần như viết trôi chảy trong một buổi tối mà thôi”. Tưởng chừng như có một vị thánh thần nào đó đã ban phát cho nhân loại những ca từ màu nhiệm ấy vậy.  

Cứ thế, thời gian trôi đi, Robert Plant cũng đã phát chán với những câu hỏi về ý nghĩa của bài hát và cũng phát chán khi phải hát nó ở mỗi buổi concert có mặt ông. Người ta đành phải tạm hài lòng rằng có khi nó vô nghĩa thật đấy, có khi Robert chỉ coi lời hát như một thứ nhạc cụ, chẳng qua là ông cố gắng “điền vào chỗ trống” để bài hát vừa huyền bí lại vừa cuốn hút một cách giả tạo mà thôi. Cũng có một quan điểm nữa đó là Chúa đã cầm tay ông viết nên những ca từ ấy trong những cơn say trong ma túy, rượu mạnh và tình dục. Quái dị hơn, có những con người tò mò quay băng ngược băng bài hát và bỗng chợt tìm ra trong mớ âm thanh hỗn độn ấy những câu từ cổ xúy và tôn thờ ác quỷ Satan.

Với cá nhân tôi, nếu có cùng quan điểm như trên thì tôi cũng chẳng viết bài này làm gì. Tất cả chúng đều có phần quá xem nhẹ trình độ của Led Zeppelin và cái tầm của Robert Plant rồi. Có rất nhiều lý do khiến tôi tin rằng có điều gì đó được Robert gửi gắm trong những lời bài hát ấy. Và để hiểu về những lý do đó, chúng ta bắt buộc phải hiểu đôi chút về ban nhạc Led Zeppelin và Led Zeppelin IV - album thứ tư không được đặt tên của họ.

Led Zeppelin

Khi guitarist Jimmy Page đi tìm kiếm những thành viên mới để thực hiện ý tưởng về một Super Group, nơi hội tụ những gì tinh túy nhất từ các ban nhạc rock nước Anh để thay thế cho ban nhạc cũ vừa mới tan rã, ông đã là một nhạc công rất thành danh. Thế nhưng, ý tưởng ấy của ông bị những người khác cho là điên rồ: Làm sao có thể nhồi nhét những cái tôi quá lớn cùng vào trong một ban nhạc và kỳ vọng cái tổng hòa đó sẽ có thể tốt hơn từng thành viên gộp lại? Làm sao có thể kết hợp được những phong cách âm nhạc khác nhau mà không tạo thành một mớ âm thanh hỗn loạn? Trong quá trình đi tìm kiếm những mảnh ghép của ban nhạc trong mơ của mình, Jimmy Page đã bị nhiều nghệ sĩ khác cười nhạo và đặt cho ban nhạc của ông cái tên Lead Zeppellin, có nghĩa là một chiếc khinh khí cầu làm bằng chì, chẳng bao giờ có thể cất cánh lên bầu trời rộng lớn kia được.

Vậy nhưng, định mệnh đã an bài với Jimmy Page, khi ông được giới thiệu về một chàng trai trẻ vô danh đến từ thị trấn West Bromwich: Robert Plant. Chàng trai ấy mới chỉ đôi mươi nhưng đã dứt áo bỏ nhà ra đi để theo đuổi niềm khao khát với thứ nhạc Blues đầy ngẫu hứng từ xứ sở cờ hoa xa xôi. Khi lần đầu nghe Robert Plant cất lên những nốt nhạc đầu tiên, Jimmy Page bất chợt nhận ra rằng cuối cùng ông đã tìm ra một frontman thực sự khác biệt, một giọng hát tông cao trời phú sinh ra để cho Rock’n’Roll. Bên cạnh giọng hát tuyệt vời, Robert còn là một ngòi bút có hạng, xuất phát từ niềm say mê với thơ ca cổ truyền nước Anh và những điều huyền bí của ma thuật.

Chiếc lông vũ của Ma’at - nữ thần Công lý của Ai Cập, đại diện cho văn học và sự sáng tạo

Robert Plant sau đó đã tiến dẫn người bạn thân của mình cho Jimmy Page: tay trống John Bonham, và rồi kể từ đó chiếc khinh khí cầu ấy đã có cái khung để có thể cất cánh. Cái chất nhạc của Led Zeppelin là sự mạnh bạo đầy năng lượng trên nền tảng nhịp dồn dập, cũng chính là cái mà chỉ có John Bonham mới tạo ra được nhờ tốc độ chơi trống đặc biệt của mình. Có thể nói ông chính là trụ đỡ, là chất keo gắn kết cần thiết để những thành viên khác của ban nhạc bấu víu vào mà sáng tạo. Nếu không có John Bonham, lấy đâu ra chỗ cho những phút solo ngẫu hứng của Jimmy Page? Cũng lấy đâu ra chỗ cho giọng hát của Robert Plant được thỏa sức biến tấu trong mỗi buổi hát live? Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy ẩn bên trong phong cách chơi của Led Zeppelin là kỹ thuật điêu luyện trong điều chỉnh nhịp độ và tiết tấu của bài hát để tạo ra được cái cảm giác hồi hộp và gấp gáp rất riêng. Một bài hát của Led Zeppelin có thể đảo nhịp tới vài lần. Đôi khi, họ có những bài hát mà âm thanh của guitar và bass chơi theo một nhịp còn trống lại đánh một nhịp khác, điển như trong hai tác phẩm Kashmir Black Dog. Vì sao họ đánh ngẫu hứng được như thế? Bởi vì họ có thể. Bởi vì ngồi sau bộ trống đồ sộ đó là John Bonham. Nếu không có ông, với khả năng giữ nhịp vững chắc như đá tảng, chắc chắn những giai điệu đó cũng sẽ không thể thành hình mà sẽ chỉ là một đống hỗn loạn mà thôi.

Biểu tượng Trinity: Cha, Mẹ và Con, nguyên thủy của văn hóa Pagan cổ đại, đại diện cho cho hạt nhân cấu thành xã hội loài người

Mảnh ghép cuối cùng của Led Zeppelin, tay bass and keyboard John Paul Jones, lại tự mình tìm đến với ban nhạc sau khi nghe tin Jimmy Page đang thành lập một Avengers của nhạc Rock. Nếu so với những thành viên khác trong ban nhạc, JPJ không quá đặc biệt và nổi bật trên sân khấu, với tính cách trầm lặng và có gì đó xa cách. Không phải là nhạc công giỏi nhất, nhưng bù lại khả năng chơi nhạc đa dạng và phối hợp ăn ý của ông là điều cần thiết cho Led Zeppelin. Bên cạnh vai trò kết hợp với John Bonham trong việc xây dựng kết cấu nhịp điệu cho bài hát, JPJ cũng phải hòa âm với tiếng guitar đầy biến ảo của Jimmy Page. Nếu không có sự chắc chắn về nhạc lý và nhạy cảm với giai điệu, chắc chắn JPJ sẽ không thể nào đứng giữa hai nghệ sỹ hàng đầu ấy, nhất là khi mỗi người đó lại cố ý chơi theo một nhịp điệu khác nhau. Led Zeppelin cũng cần JPJ ở khả năng hiểu biết về nhiều loại nhạc cụ, cho phép ban nhạc có thể mở rộng phạm vi âm nhạc của mình từ Rock tới Blues, rồi tới nhạc Folk, pha trộn đâu đó những âm hưởng của âm nhạc phương Đông, nhạc Jazz, và cả nhạc giao hưởng nữa.

Phép bùa chú cao cấp của phù thủy, đại diện cho sự vững vàng và tự tin vào năng lực của bản thân

Và cuối cùng, một khi nhắc tới Led Zeppelin, thì không thể không nói tới lead guitarist của ban nhạc: Jimmy Page. Có lẽ cũng không cần nói nhiều về ông vì để trở thành trưởng nhóm của một ban nhạc toàn những cá nhân kiệt xuất thì đủ hiểu tài năng của ông đạt đến mức nào. Kỹ thuật chơi nhạc của ông, theo tôi, chưa chắc đã phải là nhất thế giới, nhưng cái cách mà ông chơi, luôn luôn với 100% nhiệt huyết và tình yêu với âm nhạc đã mê hoặc hàng triệu khán giả và là nguồn cảm hứng chơi nhạc cho không biết bao nhiêu nghệ sỹ guitar khác sau này. Jimmy Page không chỉ chơi hay mà ông còn là người kiến tạo ra những bản nhạc đủ rộng rãi để ông có thể thỏa sức phô diễn kỹ thuật của mình. Những điệu riff hay câu solo của Jimmy Page, thoạt nghe thì tưởng là bộc phát trong những phút phiêu của người nghệ sỹ, nhưng quả thực đó là cả một công trình đồ sộ được ông tính toán kỹ lưỡng, với hàng giờ mỗi ngày bỏ ra để điều chỉnh âm thanh từng chút một trong một tổng thể hoàn chỉnh. Những gì ta nghe trong các album của Led Zeppelin hay các biểu trình diễn live chính là thành quả của ngần ấy công sức của Jimmy Page. Cũng như Robert Plant, Jimmy Page là một nghệ sĩ với niềm đam mê với những điều kỳ bí và luôn muốn đưa chúng vào âm nhạc của mình. Ông là một tín đồ của hội tà giáo (occult) Thelema - nơi tôn thờ tình yêu bản thân và sự tự do hoàn toàn của cá nhân với tư tưởng xuyên suốt: mỗi con người sinh ra đều có một mục đích, nếu mục đích đó không làm hại tới ai, thì hãy theo đuổi nó đi. Với một Rock Star như Jimmy Page, với đầy đủ quyền lực, danh vọng và của cải để làm những gì mình muốn, cũng chẳng lạ gì nếu ông theo đuổi những thứ nhân sinh quan ngập tràn tự do như vậy.

Không rõ ý nghĩa, có thể là biểu tượng Saturn - vị vua của các Titan và cha đẻ của các vị thần

Với một lineup khớp nối với nhau hoàn chỉnh, Led Zeppelin giờ đã đủ nhiên liệu để cất cánh bay cao trong bầu trời âm nhạc. Thành công đến với họ rất nhanh chóng nhờ chất lượng âm nhạc đột phá, với tốc độ chơi nhanh và mãnh liệt. Cũng như điều Judas Priest sau này đã làm với Hard Rock và Heavy Metal, Led Zeppelin là ban nhạc tiên phong trong việc phối trộn hoàn hảo chất nhạc Blues biến ảo vốn đã rất quen tai với công chúng Mỹ với dòng nhạc Rock có phần thô ráp và đơn giản hóa. Trong hai album đầu tiên của ban nhạc, Led Zeppelin đã triệt để khai thác phong cách này và nhanh chóng gặt hái được những thành công rực rỡ. Nhưng, chúng cũng đi kèm với không ít những chỉ trích. Nên nhớ lúc ấy Led Zeppelin chưa được nhìn nhận là những tượng đài nhạc Rock như trong khoảng vài chục năm gần đây. Trong con mắt của giới phê bình nghệ thuật và phần lớn công chúng nghe nhạc thời đó, họ chỉ là một lũ hippy ăn không ngồi rồi, chơi nhạc ồn ào, Blues không ra Blues mà Rock cũng chẳng ra Rock. Với quá nhiều tiền bạc, những thành viên trong ban nhạc lại càng làm người ta ganh ghét khi lao vào lối sống xa hoa với những buổi tiệc tùng trác táng tới không tưởng. Căng thẳng càng đẩy lên cao khi Led Zeppelin muốn thử sức với album thứ ba mang âm hưởng Folk và phải nhận biết bao nhiêu “gạch đá” từ giới phê bình nghệ thuật. Những chỉ trích ấy khiến Jimmy Page đã chán ngán đến nỗi từ chối các cuộc phỏng vấn trong suốt cả năm trời. Với ông, dù phong cách âm nhạc có phần chuyển biến, Led Zeppelin vẫn vậy, vẫn là từng đấy những tài năng đặc biệt. Những bản thu của album thứ ba như Immigration Song, Celebration Day, hay Since I’ve Been Loving You đều là những bài hát có chất lượng nghệ thuật cao, được viết từ những phút giây cảm hứng dồi dào và tình yêu với thiên nhiên rộng lớn của nước Anh khi Robert Plant và Jimmy Page rủ nhau lẩn trốn khỏi lối sống ồn ào để tập trung vào sáng tác âm nhạc ở một căn nhà nhỏ nơi xứ Wales xa xôi hẻo lánh. Rõ ràng, những chỉ trích nhắm vào khả năng đa dạng hóa và thích nghi với nhiều thể loại âm nhạc đã động vào cái tôi nghệ thuật của Led Zeppelin.

Led Zeppelin IV hay cái tôi nghệ thuật của Led Zeppelin

Tức mình trước những chỉ trích của dư luận rằng Led Zeppelin bán album bằng scandal nổi loạn và thứ âm nhạc ồn ào vô nghĩa, Jimmy Page đã nghĩ ra một quyết định táo bạo với album thứ tư: họ phát hành album mà không hề có tên ban nhạc và cũng chẳng có tiêu đề gì cả. Thay vào đó, mỗi thành viên ban nhạc lựa chọn cho mình một biểu tượng làm đại diện. Đây là một bước đi được coi là điên rồ của Jimmy Page về mặt thương mại, khi Led Zeppelin đã tự bỏ đi cái thương hiệu mang tính toàn cầu, điều có thể khiến người ta mua album mà không cần nghe thử, chỉ để khẳng định cái tôi của mình. Album thứ tư như lời khẳng định đanh thép rằng âm nhạc của chúng tôi là thứ nghệ thuật đích thực, là tâm sức và thành quả sáng tác của những cá nhân kiệt xuất nhất thế giới, và album của chúng tôi có thể bán được kể cả khi nó được bọc bằng bao tải đựng rác đi chăng nữa.

Với việc dồn hết tâm sức vào nghệ thuật và để các bài hát trong album nói lên tất cả, vô tình, Jimmy Page đã tạo ra một bước marketing siêu việt. Phủ lên album sự kì bí và cái tôi ngạo nghễ của từng thành viên trong ban nhạc, Led Zeppelin đã động vào được tới sự tò mò của người nghe. Họ truyền tai nhau về một album bí ẩn của Led Zeppelin, về những bài hát đầy mê hoặc với những phong cách đột phá khác nhau dưới sự pha trộn hài hòa của Rock, Blues và Folk. Không cần tới quảng cáo, cũng chẳng cần tới thương hiệu, Led Zeppelin IV cứ thế đã trở thành một trong những album bán chạy nhất mọi thời đại. Đây không chỉ là thành công về mặt thương mại mà nó còn đánh dấu bước chuyển mình hoàn hảo của ban nhạc trong con mắt của công chúng và giới phê bình nghệ thuật. Những gã ồn ào chơi nhạc Blues Rock đầy tai tiếng bỗng bất chợt trở thành những nghệ sỹ đỉnh cao với cái tầm nhìn vượt mọi thời đại. Ở đó, vẫn có những bài hát mang âm hưởng Blues Rock đã làm nên thương hiệu của ban nhạc được trau chuốt kỹ lưỡng hơn nữa về âm nhạc và thu âm như Black Dog, Rock and Roll, hay When the Levee Breaks. Thế nhưng, ta cũng thấy âm hưởng nhạc Folk của album thứ ba được tái hiện và hoàn thiện hơn hẳn với các nhạc phẩm như The Battle of Evermore và đặc biệt nhất là Stairway to Heaven.

Chủ đề của album này cũng có sự phát triển so với những album trước đây, thay vì chỉ là viết về tình yêu, tình dục, hay ma túy như những album trước, Robert Plant đã gửi gắm thêm những yếu tố màu nhiệm từ những trang sử thi thất truyền của Châu Âu, với cảm hứng từ các tác phẩm của J.R.R. Tolkien và Lewis Spence. Đọc các tác phẩm của hai nhà văn và nhà nghiên cứu này, ta mới thấy có một điểm đó là Robert Plant không hề khai thác các nhân vật và cốt truyện theo cái cách sao chép triệt để, mà chỉ mượn hình ảnh rồi sử dụng trí tưởng tượng của chính mình để chuyển biến chúng thành những câu truyện rất riêng. Ở đâu đó trong The Battle of Evermore, ta thấy hình ảnh của trận chiến Minas Tirith giữa hai phe thiện ác với những the Dark Lord, ring wraiths, hay Queen of Light. Thế nhưng, ở đó cũng xuất hiện hòn đảo Avalon gắn liền với vị vua Arthur huyền thoại trong sử thi Anh Quốc. Hay như bài hát Misty Mountain Hop dù có cái tên về một ngọn núi trong The Hobbit, thế nhưng nơi đó chỉ được Robert Plant sử dụng để hoán dụ cho những cuộc phiêu lưu trong cơn say ma túy của mình mà thôi. Nhiều người sau khi tìm ra những nhân vật và bối cảnh quen thuộc trong The Lord of the Rings hay The Hobbit, đã cố gắng gán ghép hoàn toàn câu chuyện mà Tolkien đã kể vào với những dòng lyrics của Robert. Tất cả các nỗ lực ấy đều sẽ dẫn tới những suy diễn lủng củng thiếu logic. Vậy nhưng, nếu chúng ta thử phân tích theo hướng Robert chỉ vay mượn ý tưởng chung đó, rồi kết hợp chúng với niềm đam mê với những điều bí ẩn của nền văn minh Pagan, và đặt giữa bối cảnh phong trào counter culture đang hiện hữu, ta sẽ thấy một hướng suy nghĩ mới về những bài hát đã quá nổi tiếng này.

 

The Magic Arts in Celtic Britain - Lewis Spence (1945)

Paganism - văn hóa man di hay cội nguồn dân tộc

Paganism thực ra cũng chẳng có tên, vô tình hay cố ý, cũng giống hết như album thứ tư của Led Zeppelin vậy. Đó có thể gọi là một loại tôn giáo, nhưng sẽ đúng hơn thì nên coi nó là một hệ tư tưởng, lối sống, và nét văn hóa cổ truyền của Châu Âu. Vào lúc bấy giờ, đại bộ phận Châu Âu vẫn còn là xứ sở đầy bí ẩn sống hòa mình trong những cánh rừng bạt ngàn. Ở đó, con người sống theo những bộ tộc được gọi là người Celts, hay dưới con mắt của Đế chế La Mã: một lũ man di mọi rợ. Dưới ngọn cờ nhuốm máu của Đế quốc La Mã Thần thánh, dần dà những cánh rừng rộng lớn và các tộc người Celts dần dần bị đẩy về phía Tây và phải lẩn trốn tới các hòn đảo ở Phương Bắc xa xôi. Paganism cũng theo đó bị ép buộc chuyển hóa dần sang Thiên Chúa giáo dưới sự đàn áp và những cuộc thảm sát của Đế quốc. Đến khi những cuộc xâm lăng cuối cùng của Đế chế La Mã tới những hòn đảo xa xôi ở Anh Quốc, Paganism gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn và chỉ còn là những lớp sóng ngầm, ẩn đâu đó trong những câu truyện cổ tích truyền tai vụn vặt trong dân gian ngày nay. Tất cả những gì nguyên bản nhất từ cái thuở hoang sơ của xã hội loài người, với lịch sử cả chục ngàn năm, dần phải đi vào quên lãng với những tư tưởng tôn giáo mới ra đời và sau này là tiến bộ vượt bậc của khoa học. 

 

The Druids / The conversion of the Britons to Christianity - S.F. Ravenet (1752)

Thuở xưa, người Celts cũng chẳng khác gì những người Hobbits trong truyện của J.R.R. Tolkien cả. Họ là những người sống hòa đồng với thiên nhiên hùng vĩ, với tình yêu bao la với nghệ thuật. Họ đúng là những kẻ nhà quê chẳng màng tới chính sự như cái tên Pagan mỉa mai do chính người La Mã đặt cho họ. Ta có thể thấy trong nét văn hóa ấy những điều rất gần gũi, tưởng chừng như nó có chung xuất phát điểm với tất cả chúng ta và dường như mọi nền văn hóa trên toàn thế giới đều bắt nguồn từ một cái gốc nào đó. Nào là những phong tục thờ cúng, hiến tế cho các vị thần, những nhân vật trong trí tưởng tượng của con người để lý giải cho thiên nhiên hùng vĩ và khắc nghiệt. Những vị thần ấy xuất phát từ cỏ cây, muông thú, từ thời tiết tới các vì sao trên trời, chứ không phải là những thế lực siêu nhiên có quyền năng tối thượng như trong Thiên Chúa giáo. Nào là những niềm tin vào cõi âm, vào những quy luật nhân quả, vào linh hồn của con người và trời đất. Nào là những món bùa ngải, thần chú, biệt dược từ tự nhiên để con người đương đầu với cuộc sống khắc nghiệt, mà sau này người ta gọi nó là ma thuật. Và ở đó cũng không thiếu những truyền thuyết mang đậm tính sử thi để lý giải sự tồn tại của nhận thức và răn dạy những thế hệ theo sau phải biết đấu tranh nhưng cũng yêu quý lấy tự nhiên, phải cư xử với nhau thế nào để cùng nhau tồn tại và phát triển. Trong nét văn hóa ấy, những druid là những người am hiểu nhất trong cộng đồng, là sứ giả của con người với thế giới siêu nhiên, cũng tương tự như thầy cúng trong văn hóa Châu Á hay các Shaman trong các bộ lạc Châu Phi và Châu Mỹ bản địa vậy. Họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lưu giữ những tri thức của con người trong cái thời đại mà chữ viết cũng còn chưa tồn tại.

Vậy điều gì đã khiến Robert Plant say đắm với Paganism đến thế?

Thứ nhất, đó chính là lối sống và nhân sinh quan gắn chặt với tự nhiên của nét văn hóa này. Nên nhớ Led Zeppelin chính là một trong những mũi nhọn tiên phong của phong trào counter culture lúc bấy giờ. Còn gì hippy hơn khi người nghệ sỹ hướng mình đến những tư tưởng trân trọng thiên nhiên của một nền văn hóa xưa cũ, khi con người sống một cuộc sống giản đơn và thư thả, không vấn vương đến sự đời? Nếu nhìn vào chủ đề của những album trước đây của ban nhạc, ta sẽ thấy chỉ có tình yêu và tình dục, thì sự đa dạng về chủ đề của album này đã cho ta thấy ban nhạc dần dà đã hướng đến tư tưởng của những người Celts xưa qua các chủ đề rất đỗi đời thường như tình bạn, biển cả, những con động vật, những hoài niệm quá khứ, hay đơn giản chỉ là một chặng đường đi dạo. Những điều tưởng như quá gần gũi tới mức tầm thường đó lại chính là thứ mà Paganism tôn sùng: cuộc sống tự nhiên từ những điều đơn giản nhất.

Điểm thứ hai đó là ý muốn cho người nghe tìm hiểu về nét văn hóa xưa cũ ấy như những nỗ lực nhỏ nhỏi của Robert Plant muốn níu kéo lại một chút gì đó của cái bản thể của dân tộc mình. Đây cũng chính là điểm giao thoa giữa hai người nghệ sỹ tưởng chừng như chẳng có mối liên hệ nào với nhau là Robert Plant và J.R.R. Tolkien. Chẳng có gì khác ngoài Paganism chính là động lực cho J.R.R. Tolkien chắp những ngòi bút đầu tiên của The Lord of the Rings. Ông ganh tỵ với những câu truyện cổ của Grimm hay Andersen của các nước Châu Âu khác đã quá phổ biến, trong khi quê hương Anh Quốc đầy màu nhiệm của mình lại chẳng có gì cả. Chăm chỉ nhặt nhạnh những mẩu truyện xa xưa phối trộn với trí tưởng tượng siêu việt của mình, J.R.R. Tolkien đã viết nên một câu truyện cổ tích đương đại cho riêng quê hương ông, để nhân loại nhận ra rằng nền văn hóa Anh vẫn mãi trường tồn. Robert Plant của chúng ta cũng có cùng tư tưởng như vậy, nhưng vì ông là một nghệ sỹ nhạc Rock, cái cách làm của ông cũng phải có đôi chút khác biệt. Thay vì viết nên cả những trang biên niên sử hoành tráng như Tolkien, Robert Plant lại đưa Paganism một cách nhẹ nhàng và tinh tế trong những bài hát của mình. Ông đưa mà như không đưa, không một lời lý giải và chẳng hề quan tâm người nghe có hiểu ông không. Vì sao? Có phải vì ông chỉ muốn một số ít những người thực sự quan tâm mới xứng đáng được tìm hiểu thêm? Hay chỉ đơn giản là ông muốn tạo ra một sự kì bí để câu khách? Theo tôi, Robert Plant làm vậy vì ông đã hiểu rất rõ bản chất của tư tưởng Paganism. Đó là nét văn hóa nhẹ nhàng và tự do hình thành chứ không phải là thứ cố tình ép buộc theo khuôn mẫu. Thay vì phải giải thích dài dòng cho người nghe, Robert Plant còn làm tốt hơn, khi qua bàn tay của Led Zeppelin, người nghe có thể trực tiếp cảm nhận thấy được những tư tưởng Pagansim qua từng nốt nhạc đầy biến ảo trong tâm thức của mình mà có khi chẳng cần phải hiểu biết gì về nó.

Và cuối cùng, thứ lôi cuốn nhất Robert Plant và Led Zeppelin ở Paganism đó chính là ma thuật. Nếu như The Beatles lôi cuốn người nghe nhạc bằng chủ đề ma túy và những thứ chính trị nửa vời hay The Rolling Stones khai thác những hình ảnh bất cần, đường phố, thì ở album thứ tư này, Led Zeppelin đã tạo cho mình một đường hướng mới, với những nguồn năng lượng và tư tưởng rất riêng từ ma thuật. Thứ ma thuật đó có từ đâu? Ngoài những phép biến ảo của âm nhạc và lời hát, hãy nhìn vào cái bìa của album này thì biết, bốn biểu tượng rành rành trên bìa đó còn gì khác ngoài là những bùa chú của những thầy phù thủy của Led Zeppelin. Những biểu tượng là cách những druid của ngày xưa sử dụng để giao tiếp, chúng không dùng cho ý thức của chúng ta, mà là dành cho vô thức. Chúng ta còn thấy ma thuật đó trong các lá bài tarot ẩn hiện trong những hình ảnh của bìa đĩa Led Zeppelin IV. Lão già gánh củi nặng trĩu trong bức tranh kia, còn là ai khác ngoài lá bài Ten of Wands, vốn đại diện cho gánh nặng của ban nhạc với nền âm nhạc thế giới và của chính Robert Plant với nền văn hóa Paganism trên vai. Bức tranh ấy được đặt trong một bối cảnh cũng rất hợp lý, trong một ngôi nhà đổ nát với phía sau là những dãy nhà cao tầng mọc lên vun vút. Đó là sự cảnh tỉnh của Led Zeppelin với người nghe, với những con người của xã hội hiện đại đang dần đánh mất đi những giá trị xưa cũ và tốt đẹp, đánh mất đi những điều tuyệt vời mà tự nhiên ban tặng. Ảnh bìa còn lại của album cũng lại là một lá tarot khác: the Hermit, đại diện cho sự thông thái của những vị druid một thời, xa lánh tục trần mà ôm ấp lấy thiên nhiên. Trong The Magic Arts in Celtic Britain của Lewis Spence, ông đã nhấn mạnh những ghi chép về phương thức mà các druid thời xa xưa tạo ra ma thuật và tương tác với các thế lực siêu nhiên: qua âm nhạc. Đó, giờ chúng ta đã hiểu họ chưa? Led Zeppelin chính là những druid của thời đại bây giờ và âm nhạc của họ cũng chính là ma thuật được trao cho chúng ta. Hãy thử nhìn những concert sau này của ban nhạc so với trước đây, chúng ta sẽ thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc. Nếu như trước Led Zeppelin đóng bộ trên sân khấu và có phần xa cách với khán giả thì từ album thứ tư trở đi hình ảnh của Led Zeppelin đã thay đổi khác hẳn. Led Zeppelin đã chuyển mình thành Led Zeppelin mà chúng ta vẫn biết, thành những gã mặc quần áo lòe loẹt và hoạt bát như những người Celts xưa. Buổi hòa nhạc của họ không chỉ có mỗi âm nhạc mà còn có những nụ cười, những điệu nhảy và sự hòa hợp của con người với con người. Còn gì lý giải tốt hơn cho sự chuyển biến đó ngoài ma thuật?

 


Led Zeppelin IV Cover Art

Stairway to Heaven và chặng đường trở về với Paganism

Khi chắp bút viết lên Stairway to Heaven, Led Zeppelin thực sự muốn có một khúc trường ca hoành tráng để ghi lại dấu ấn về sự trưởng thành của cả ban nhạc. Nếu ai đã nghe qua bài hát dù chỉ một lần, ta sẽ thấy ngay ý tưởng xuyên suốt của Jimmy Page là một bản nhạc đi từ nhẹ nhàng, sâu lắng tới mạnh mẽ, hoang dã; đi từ tiết tấu chậm rãi, thảnh thơi, tới kịch tính và dồn dập, nơi mà có thể phô diễn tất cả những gì tốt nhất của từng cá nhân trong ban nhạc. Nói cách khác, Stairway to Heaven như một câu truyện, một chặng đường. Nó cũng có khởi đầu, cao trào và kết thúc. Hệt như câu truyện về những chàng trai Hobbit phải rời bỏ làng Shire yên bình, lao vào một chuyến phiêu lưu đầy hiểm nguy, rong ruổi suốt vùng đất Middle Earth màu nhiệm ở một tác phẩm văn học nào đấy vậy.

“There's a lady who's sure

All that glitters is gold

And she's buying a stairway to Heaven

When she gets there she knows

If the stores are all closed

With a word she can get what she came for

Oh oh oh oh and she's buying a stairway to Heaven”

Mở đầu câu chuyện chúng ta được giới thiệu về một nhân vật: a lady, một người phụ nữ bí ẩn mà mãi đến cuối bài ta mới được biết thêm một chút về cô ta: Who shines white light and wants to show. Có lẽ những người say mê The Lord of the Rings sẽ "gán ghép" ngay nhân vật Lady Galadriel - nữ hoàng của người elves ở khu rừng thần thánh   Lothlórien, nơi những chiếc lá không bao giờ rụng xuống mà hóa thành vàng ròng - How everything still turns to gold. Thế nhưng, xin hãy đừng vội kết luận mà hãy nhớ rằng Robert Plant chỉ thích “vay mượn” cái biểu tượng của nhân vật sẵn có để viết câu truyện của riêng mình mà thôi.

Có thể khẳng định hình tượng lady ở đây là để đại diện cho những kẻ tự xưng là cao quý, quyền lực, sống xa rời với đời thực. Vì sao ư? Bởi vì tới câu thứ hai ta sẽ thấy nhân vật lady ấy đang có một tư tưởng sai lệch: all that glitters is gold. Đây lại là một trích dẫn khác mà Robert Plant "mượn" từ tác phẩm kinh điển The Lord of the Rings của Tolkien. Ở đó, Tolkien đã viết:

“All that is gold does not glitter,

Not all those who wander are lost;

The old that is strong does not wither,

Deep roots are not reached by the frost.”

Đoạn trên là một vài câu thơ nhắn nhủ những chàng trai Hobbit khi đi tìm kiếm Aragorn, người thừa kế xưng đáng cho ngai vàng của loài người đang phải lưu lạc trong dân gian. Dịch tiếng Việt cả đoạn thơ ấy, có thể chỉ cần dùng một dòng đơn giản: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Những gì đẹp đẽ hào nhoáng bên ngoài, chưa chắc đã phải thứ gì quý giá.  Vậy thì với người lady kia, cô ta không hẳn là một nữ vương thánh thiện như trong câu truyện của Tolkien, mà chỉ là một kẻ trọng cái hào nhoáng bên ngoài. Đây có vẻ là một nhân vật phản diện chứ chẳng phải là chính diện như ta nghĩ ban đầu.

Phần sau của đoạn này, chúng ta được biết thêm một thông tin nữa: she's buying a stairway to Heaven. Hãy để ý kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy cô ta muốn mua - buying, nhưng không phải cô ta đã mua mà cô ta chắc sẽ mua. Chỉ khi tới thiên đường của mình, cô ta mới biết liệu mình có thể có mọi thứ trên đời. Có lẽ, chúng ta cũng từng chứng kiến biết bao nhiêu kẻ sẵn sàng vung tiền cúng bái cho những tổ chức tôn giáo, để đổi lấy một lời hứa viển vông về một sự sống sau cái chết. Liệu có đơn giản rằng mọi thứ đều có thể mua được, kể cả chuyện sống hay chết?

Thế nhưng, vẫn còn một nhân vật lady khác mà được ít người biết đến, mà có vẻ còn liên quan chặt chẽ tới câu truyện của Robert Plant hơn, đó là nhân vật lady trong câu truyện cổ Echtra Condla trong kho tàng sử thi của người Celts, được nhắc tới trong cuốn The Magic Arts in Celtic Britain. Câu chuyện kể về Conle, hoàng tử của vùng Ireland, bỗng một ngày gặp một người phụ nữ kì lạ tới từ vùng đất thần thánh ở phía Tây - When I look to the west. Cô ta hứa hẹn rằng sẽ dẫn chàng tới vùng đất ấy, nơi chỉ có an nhàn và hưởng thụ tới muôn đời. Nhưng lạ thay, chỉ mình Conle nghe thấy những gì người phụ nữ ấy nói. Vua Conn, cha của Conle, thấy vậy mới hoảng hồn đi gọi vị druid thân cận của mình hóa phép để đuổi cô ta đi khỏi vương quốc. Trước khi rời khỏi Ireland, cô ta có nhắn nhủ lại với vua Conn rằng: những thứ hủ tục Paganism của các người rồi sẽ bị loại bỏ, những thánh thần mới sẽ đến với dân tộc của các người!

Thế rồi cô ta vứt lại một quả táo thần cho Conle. Kì lạ thay, quả táo đó ăn mãi không bao giờ hết. Conle từ đó đã hoàn toàn bị thuyết phục. Để đến một ngày, chàng hoàng tử mang thuyền lao ra ngoài biển cả và không bao giờ trở về nữa. Chàng có đến được vùng đất hứa hay đã bỏ xác dưới đáy biển sâu từ lâu rồi?


Connla and the Fairy Maiden -  John D. Batten (1892)

Câu truyện cổ Echtra Condla là lời tiên tri về sự tận thế của chính nét văn hóa Pagan, về một thế lực tôn giáo mới sẽ bùng phát và xóa sạch hết Paganism tại Châu Âu: đạo Thiên Chúa. Vùng đất kia, tưởng là màu nhiệm, sung sướng biết bao, thì đối với Paganism nó còn là miền đất của cái chết, là địa ngục của trần gian. Con người không bao giờ chết, con người đắm mình trong những thỏa mãn, dục vọng, thì cũng có nghĩa rằng họ đã chết về mặt vô thức, cái bản ngã của con người vì thế cũng phải mất đi. Vậy thì với những người Celts, đó chẳng khác gì địa ngục. Trong văn hóa của họ, con người mất đi sẽ được hòa mình với thiên nhiên hay đầu thai thành kiếp khác, chứ không phải là những kẻ bất tử chỉ biết hưởng vui thú. Dưới góc nhìn qua hình ảnh nhân vật lady thứ hai, ta chợt thấy Stairway to Heaven chưa hẳn đã là dẫn con người ta đến với thiên đàng thực sự.

Cũng không thể không nói tới sự hòa hợp của âm nhạc với bối cảnh của đoạn mở đầu này. Quả thực, chỉ với những câu nhạc Arpeggio hết sức đơn giản trên cây đàn guitar, Jimmy Page đã thể hiện được toàn bộ sự cao sang, quý tộc của hình ảnh nhân vật lady, nhưng lại để lại trong tâm trí người nghe chút gì đó trầm mặc và hoài nghi. Thế nhưng, nếu muốn khen ta phải khen cái tài của JPJ trong việc tạo ra một ambiance đậm chất thần thánh và nhiệm màu như thực sự đưa người ta đến thiên đường. Cái không gian âm nhạc mà JPJ tạo ra ấy cũng không kém phần dịu dàng như lời dẫn truyện cuốn hút người nghe vào cuộc phiêu lưu cùng với ban nhạc.

“There's a sign on the wall

But she wants to be sure

'Cause you know sometimes words have two meanings

In a tree by the brook

There's a songbird who sings

Sometimes all of our thoughts are misgiving

Ooh, it makes me wonder

Ooh, it makes me wonder”

Nhịp độ của bài hát được đẩy lên qua những cú vẩy hợp âm đơn giản của Jimmy Page cạnh những nốt bass ẩn hiện của JPJ. Chúng ta lại tiếp tục hành trình của nhân vật “phản diện” của chúng ta: the lady. Ở đoạn này, nhân vật lady bỗng thấy mình phải băn khoăn, nghi ngờ về con đường mình đã chọn. Ở một bên, cô ta chất vấn những lời tiên tri thảm họa của Kinh thánh - sign on the wall, như cái cách tôn giáo này đe dọa người ta phải tuân theo nó. Cô ta vẫn tin vào Thiên Chúa giáo, nhưng vẫn thật phân vân, không biết mình đã giải nghĩa đúng những điều mình được răn dạy hay chưa. Ở phía bên kia, cô ta lại được thiên nhiên ôm ấp và vẫy gọi. Những hình ảnh rất đỗi thân thuộc như cái cây, dòng suối, hay chú chim hót, tưởng như chẳng có ý nghĩa gì, nhưng chúng chính là đại diện mạnh mẽ nhất của Paganism. Ở đó, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, hay cơn gió đều có thể là một vị thần, là hóa kiếp của người đi trước, hay đơn giản chỉ là phép thuật. Paganism phải chăng đang khuyên nhủ nhân vật lady: hãy nghĩ lại về quyết định của mình đi, cuộc sống còn có nhiều ý nghĩa hơn thế nữa cơ mà, vật chất bên ngoài chẳng bao giờ có thể thành liều thuốc cho tinh thần của bạn được.

“There's a feeling I get

When I look to the west

And my spirit is crying for leaving

In my thoughts I have seen

Rings of smoke through the trees

And the voices of those who standing looking

Ooh, it makes me wonder

Ooh, it really makes me wonder”

Câu truyện giờ mới thực sự bắt đầu với nhân vật chính diện, khi người nghe bất ngờ được chuyển qua góc nhìn thứ nhất. Ở đây, I có thể là ai? Là Robert Plant kể lại hành trình của cuộc đời mình hay là chính chúng ta những kẻ đang phân vân lựa chọn con đường sống cho mình? Không thể biết được. Điều chúng ta biết là nhân vật này mới thực sự là nhân vật chính diện trong câu truyện cổ tích của Robert Plant.

Chúng ta cũng được thấy một lần nữa cuộc chiến tranh tư tưởng của nhân vật chính - my spirit is crying for leaving, giống như những gì xảy ra với nhân vật lady. Có lẽ không khó để ta liên tưởng tới hình ảnh chàng Hobbit trẻ Frodo phải hy sinh cuộc sống an nhàn và hưởng thụ tại xứ Shire để bắt đầu cuộc hành trình phá bỏ lời nguyền của chiếc nhẫn đầy gian nan và nguy hiểm. Nhìn về phía Tây - look to the west, chỉ đơn giản là chàng Hobbit nhìn về những cánh đồng bạt ngàn màu xanh của xứ Shire, hay là Robert Plant đang gạt đi những gì mình được biết về lối sống hiện đại để tự tìm lối đi cho cuộc đời mình. Nên nhớ trong câu truyện Echtra Condla, cái mảnh đất phía Tây màu nhiệm kia chỉ là những thứ khoa trương phù phiếm, là địa ngục trần gian, nơi con người chỉ có ham muốn chứ không có khát vọng. Dứt bỏ được với những cám dỗ trần tục, vượt qua được những gì Conle không thắng nổi, nhân vật chính của chúng ta mới có thể thực sự lên đường. Chúng ta cũng vậy thôi, nếu không dũng cảm đứng lên và đương đầu với cuộc sống, chả lẽ chúng ta cứ ngồi chờ chết hay sao? Cứ thế trên chặng đường của tư tưởng mới được khai thông, bao quanh nhân vật chính của chúng ta lúc này - in my thoughts, giờ đây chính là thiên nhiên ngập tràn, là những phép ma thuật của những vị druid thông thái ngày xưa - Rings of smoke through the trees - để liên lạc với những vị thần đích thực. Trong câu truyện Silmarillion của Tolkien, chúng ta được biết đến những vị thần khởi tạo sự sống, các Valar. Họ là những vị thần đầy quyền năng, nhưng không bao giờ can thiệp quá mức vào cuộc sống con người - the voices of who standing looking: vận mệnh con người là do chính mỗi chúng ta quyết định, không ép buộc và cũng không đòi hỏi.

“And it's whispered that soon, If we all call the tune

Then the piper will lead us to reason

And a new day will dawn

For those who stand long

And the forests will echo with laughter”

Vang vọng từ núi rừng thiên nhiên là những lời răn dạy của những vị thần Pagan: hãy đi theo âm nhạc, tiếng sáo của the piper, các ngươi sẽ tìm được con đường đến với chúng ta. Nhân vật the piper này dường như chúng ta đã gặp quá nhiều lần trong âm nhạc progressive, hay chí ít là đã được nói đến rất nhiều lần trong những bài viết trước. The Piper không phải ai khác mà chính là thần Pan, vị thần nửa người nửa dê của Paganism. Tiếng sáo ấy sẽ là sự khai sáng - a new day will dawn - cho linh hồn của nhân vật chính. Kể từ đó những cánh rừng bạt ngàn âm u kia sẽ không còn đáng sợ nữa, mà ở đó ngập tràn tiếng cười của tự nhiên, của những vị thần Pagan thông thái - the forests will echo with laughter.


Pan - Mikhail Vrubel (1899)

“If there's a bustle in your hedgerow

Don't be alarmed now

It's just a spring clean for the May queen

Yes, there are two paths you can go by

But in the long run

There's still time to change the road you're on

And it makes me wonder”

Tiếng trống dồn dập của John Bonham bất chợt vang lên là dụng ý âm nhạc đầy tinh tế của Jimmy Page nhằm thúc đẩy sự kịch tính của câu truyện khi hai luồng tư tưởng trái chiều lần đầu tiên gặp nhau. Quả thực, khi tiếng trống phải vào giữa chừng như thế, người nghe mới có thể trân trọng và thấy hết được tầm quan trọng của Bonham trong âm nhạc của Led Zeppelin. Tiếng trống ấy chẳng khác gì mạch nguồn tuôn tràn vào tư tưởng của nhân vật chính trong câu truyện kể từ khi được khai sáng nhờ tiếng sáo thần Pan. Đoạn này có phần được viết hơi bay bổng và cũng hơi đậm chất văn hóa Anh một chút, nên nhiều người có thể thấy nó khó hiểu. Thực ra ý nghĩa của nó rất đơn giản: hãy giang tay đón lấy tự nhiên và những tư tưởng mới mẻ, vẫn còn kịp để chúng ta thay đổi.

Nếu có những điều mới lạ đến với khu vườn nhà bạn - there's a bustle in your hedgerow - thì xin hãy đừng sợ hãi - don't be alarmed. Đó chỉ là những tư tưởng mới mẻ đến với bạn thôi mà - just a spring clean for the May queen. May queen được nói ở đây, là để chỉ một ngày hội cổ truyền để đón chào mùa xuân và sự tươi mới mà nó mang lại. Phần còn lại của đoạn tương đối rõ ràng: có hai con đường cho bạn lựa chọn đó, đường còn dài và bạn luôn có thể đổi hướng. Nhưng “bạn” ở đây là Robert Plant muốn nói với chúng ta hay là nhân vật tôi muốn nhắn nhủ với nhân vật lady. Đoạn sau cho chúng ta thấy có lẽ đáp án thứ hai mới là đúng.

“Your head is humming and it won't go

In case you don't know

The piper's calling you to join him

Dear lady, can you hear the wind blow?

And did you know

Your stairway lies on the whispering wind?”

Hỡi người phụ nữ kia ơi, hãy lắng nghe chính bản thân mình, những gì vẫn có trong đầu mỗi chúng ta chính là tiếng sáo của the Piper đang mời gọi chúng ta đến với một chân lý sống mới. Nó rất đỗi tự nhiên và chẳng có gì ràng buộc, cái khó chỉ là sự buông bỏ của mỗi người với vật chất mà thôi. Và người phụ nữ ấy có nghe thấy tiếng gọi của thần gió. rằng thiên đường của cô ta chẳng ở đâu xa ngoài chính sự tự do tự tại của Paganism - your stairway lies on the whispering wind?

“And as we wind on down the road

Our shadows taller than our soul

There walks a lady we all know

Who shines white light and wants to show

How everything still turns to gold

And if you listen very hard

The tune will come to you at last

When all are one and one is all

To be a rock and not to roll”

Trải qua biết bao nhiêu build up, tới lúc này mọi dồn nén được giải tỏa trong trường đoạn tiếp theo của bài hát mà Jimmy Page vẫn gọi là một cơn “cực khoái” của âm nhạc. Cũng như ở mọi câu truyện, đoạn cao trào chính là lúc những gì tinh hoa nhất được dịp phô diễn, là nơi mà những tư tưởng trái chiều chiến đấu với nhau một mất một còn, như trận chiến giữa hai phe thiện ác trong The Lord of the Rings vậy. Ở đây nhân vật lady xuất hiện dưới hình hài đẹp đẽ nhất của mình, một ánh sáng rực rỡ nhưng giả tạo - shines white light, đại diện cho những thứ vật chất phù phiếm, cho cuộc sống cao sang màu mè - everything still turns to gold. Dưới ánh sáng rực rỡ đó, nhân vật chính của chúng ta, mặc cho cái bóng của mình trượt dài - our shadows taller than our soul, vẫn đứng vững vàng trước cám dỗ ấy.  Cái bóng đó có khi không phải được tạo ra bởi nguồn sáng của nhân vật lady, nó được tạo ra từ chính chúng ta. Nếu tìm hiểu về Tâm lý học, chúng ta sẽ được biết về thuật ngữ the Shadow, là một trong những nguyên mẫu (archetype) trong nghiên cứu của Carl Jung về tâm lý con người và Alchemy. Shadow của mỗi người chính là bản thân họ, đó là những cảm xúc, những điều chúng ta muốn lảng tránh được chôn dấu sâu trong vô thức mỗi người. Chúng ta cố gắng trốn tránh nó đi nhưng không thể nào thoát khỏi. Đó là trận chiến lớn nhất của mỗi con người để thực sự trưởng thành và hoàn thiện bản thân. 

Tiếng guitar solo đầy dụng ý của Jimmy Page dường như chia làm hai phe mà đan xen đối đầu nhau. Lúc thì ông đánh đôi ba nốt gảy đơn giản, như tượng trưng cho chính cái giản đơn, mộc mạc của Paganism. Bên kia là những câu nhạc dài hơn, ngẫu hứng và phức tạp, như muốn đại diện cho những thứ vật chất của người phụ nữ kia vậy. Trong cuộc chiến căng thẳng ấy, nếu chúng ta cố gẵng tĩnh tâm mà lắng nghe bản thân mình - listen very hard, chúng ta vẫn sẽ có thể tìm thấy được con đường, được tiếng sáo của thần Pan - the tune will come to you at last.

Hai câu cuối cùng của đoạn này là cái niềm mong ước của Robert Plant muốn gửi gắm cho mỗi người nghe. Ông ước gì nếu mỗi con người chúng ta, đều được khai sáng như thế, cùng chung nhau trên một chặng đường tư tưởng như ông, chắc hẳn chúng ta sẽ thành một thực thể vững chãi như viên đá không bao giờ bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc đời - to be a rock and not to roll. Con người khi ấy đã đạt được sự hòa hợp và hoàn thiện, ta cứ sống mặc cho cuộc đời chảy trôi.

“And she's buying a stairway to Heaven”

Khi nhưng chàng Hobbit trở về quê nhà sau trận chiến vinh quang với chúa tể của bóng tối, họ chỉ thấy khói lửa và tang tóc gây ra bởi Saruman và Wormtoungue, hai kẻ rũ bỏ loài người để tìm đến với bóng tối. Cũng như thế, kết thúc bài hát của Led Zeppelin cũng chỉ là một câu nhạc độc nhất mà trĩu nặng. Trải qua bao cuộc đấu tranh cực khổ, cái kết của câu truyện lại chẳng phải là chiến thắng của phe chính diện, của Paganism. Mọi thứ lại trở lại về sự trầm ngâm của phần đầu bài hát, the lady của chúng ta vẫn chẳng thay đổi, như sự ngậm ngùi chấp nhận của Robert Plant rằng xã hội loài người đã không còn dung nạp thứ văn hóa Pagan xa xưa.

Scouring of the Shire

Kết

Vậy đó, có lẽ Led Zeppelin cũng không hề đơn giản như chúng ta vẫn tưởng tượng. Có lẽ thứ gì bên ngoài có vẻ giản đơn thì phía bên trong lại là những công trình cầu kỳ và chi tiết, như thỏi vàng ròng chẳng cần lấp lánh mà tràn đầy giá trị. Với Stairway to Heaven, Led Zeppelin đã nhẹ nhàng cho chúng ta cái bài học đấy một cách đầy tinh tế. Xin đừng quá chú trọng vào cái vẻ bên ngoài, vào cái hào nhoáng của âm nhạc, mà vô tình quên đi những cái triết lý thâm thúy mà giản đơn ẩn vào phía trong.